Top slide banner
Đề cương tuyền truyền kỷ niệm 72 năm cách mạng tháng tám và quốc khánh nước CHXHCN Việt Nam

ĐỀ CƯƠNG TUYÊN TRUYỀN

KỶ NIỆM 72 NĂM CÁCH MẠNG THÁNG TÁM VÀ QUỐC KHÁNH NƯỚC CHXHCN VIỆT NAM

 

          I- CÁCH MẠNG THÁNG TÁM NĂM 1945 – SỰ KIỆN VĨ ĐẠI TRONG LỊCH SỬ DÂN TỘC VIỆT NAM

          1- Bối cảnh lịch sử và diễn biến

Trên thế giới, đầu năm 1945, chiến tranh thế giới lần thứ hai bước vào giai đoạn cuối. Hồng quân Xô Viết liên tiếp giành thắng lợi quyết định trên chiến trường châu Âu. Ngày 09.5.1945, phát xít Đức đầu hàng vô điều kiện, chiến tranh kết thúc ở châu Âu. Ngày 14.8.1945, phát xít Nhật đầu hàng vô điều kiện, chiến tranh thế giới lần thứ hai kết thúc.    

 Ở trong nước, ngày 09.3.1945, Nhật đảo chính Pháp. Ngày 12.3.1945, Trung ương Đảng ra Chỉ thị “Nhật - Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta”.  Ngày 16.4.1945, Tổng bộ Việt Minh ra Chỉ thị tổ chức các Ủy ban Dân tộc giải phóng các cấp và chuẩn bị thành lập Ủy ban giải phóng dân tộc Việt Nam, tức Chính phủ lâm thời cách mạng Việt Nam.

          Đầu tháng 5.1945, Bác Hồ từ Cao Bằng về Tuyên Quang, chọn Tân Trào làm căn cứ chỉ đạo cách mạng cả nước và chuẩn bị Đại hội quốc dân. Tháng 8.1945, Hội nghị đại biểu toàn quốc của Đảng họp tại Tân Trào (Tuyên Quang) khẳng định: “Cơ hội rất tốt cho ta giành độc lập đã tới” và quyết định phát động toàn dân khởi nghĩa giành chính quyền; 23 giờ ngày 13.8.1945, Ủy ban Khởi nghĩa ra Quân lệnh số 1 hiệu triệu toàn dân tổng khởi nghĩa. Ngày 16.8.1945, Đại hội Quốc dân họp tại Tân trào thông qua “10 chính sách lớn của Việt Minh”; thông qua “Lệnh tổng khởi nghĩa”; quy định quốc kỳ, quốc ca; thành lập Ủy ban Dân tộc giải phóng Trung ương, tức Chính phủ Lâm thời do đồng chí Hồ Chí Minh làm Chủ tịch. Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư kêu gọi nhân dân cả nước tổng khởi nghĩa, trong đó chỉ rõ: “Giờ quyết định cho vận mệnh dân tộc ta đã đến. Toàn quốc đồng bào hãy đứng dậy đem sức ta mà tự giải phóng cho ta”.

          Dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhân dân cả nước đồng loạt tiến hành tổng khởi nghĩa. Chỉ trong vòng 15 ngày, cuộc tổng khởi nghĩa đã giành thắng lợi hoàn toàn, chính quyền trong cả nước về tay nhân dân.  

Ngày 02.9.1945, tại Quảng trường Ba Đình (Hà Nội) lịnh sử, Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt Chính phủ Lâm thời trịnh trọng đọc bản Tuyên ngôn Độc lập, tuyên bố trước quốc dân và thế giới: Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời (nay là CH XHCN Việt Nam). Từ đó, ngày 02.9 là Ngày Quốc khánh của nước ta.

          2. Nguyên nhân thắng lợi

          - Nguyên nhân đầu tiên có ý nghĩa quyết định đó là sự lãnh đạo đúng đắn, sáng suốt, khéo léo của Đảng; là sự vận dụng và phát triển chủ nghĩa Mác - Lênin trong điều kiện cụ thể của nước ta.

          - Thứ hai, tinh thần yêu nước nồng nàn, đoàn kết, ý chí quật cường, sẵn sàng hi sinh vì mục tiêu độc lập dân tộc gắn liền với CNXH.

          - Thứ ba, Cách mạng tháng Tám được tiến hành trong bối cảnh quốc tế có những thuận lợi nhất định. Chủ nghĩa phát xít Đức, Ý, Nhật đã bị đánh bại, phong trào đấu tranh giải phóng của các dân tộc bị áp bức và của các lực lượng tiến bộ trên thế giới phát triển mạnh.

          3. Ý nghĩa lịch sử

          - Cách mạng tháng Tám năm 1945 và Quốc khánh 2/9 đã mở ra bước ngoặt vĩ đại trong lịch sử dân tộc Việt Nam, ra đời Nhà nước công - nông đầu tiên ở Đông Nam Á. Nhân dân Việt Nam chấm dứt thân phận của người nô lệ vươn lên làm chủ vận mệnh của mình. Nước Việt Nam từ một nước thuộc địa nửa phong kiến trở thành một nước độc lập, tự do và dân chủ. Đảng Cộng sản Việt Nam trở thành một Đảng cầm quyền. Từ đây, đất nước, xã hội, dân tộc và con người Việt Nam bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên độc lập dân tộc gắn liền với CNXH.

          - Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh 2/9  là thắng lợi của chủ nghĩa Mác - Lênin được vận dụng sáng tạo vào hoàn cảnh cụ thể của cách mạng Việt Nam; là thắng lợi của tư tưởng Hồ Chí Minh và đường lối cách mạng của Đảng ta vì độc lập dân tộc và CNXH.

          - Thắng lợi của Cách mạng tháng Tám cổ vũ phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc ở khu vực và trên thế giới đấu tranh thoát khỏi sự thống trị của đế quốc thực dân.

          4. Một số bài học kinh nghiệm

          Cách mạng tháng Tám năm 1945 và Quốc khánh 2/9  để lại nhiều bài học quý báu, nổi bật là:

          Thứ nhất, có đường lối cách mạng đúng đắn, có phương pháp và hình thức đấu tranh phù hợp; biết nắm bắt thời cơ, xây dựng lực lượng và tổ chức, phát huy được sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại để dẫn dắt quần chúng đứng lên giành và giữ chính quyền.

          Thứ hai, đó là vấn đề giành và giữ chính quyền, Đảng ta kiên quyết dùng bạo lực cách mạng và sử dụng bạo lực cách mạng thích hợp và đúng lúc để đập tan bộ máy nhà nước cũ, lập ra nhà nước của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân. 

          Thứ ba, đó là vấn đề nắm bắt được thời cơ, đề ra được những quyết định chính xác và kịp thời. Cũng nhờ chọn đúng thời cơ mà sức mạnh của nhân dân ta trong Cách mạng Tháng Tám được phát huy tổng lực.

          II- THÀNH TỰU TRONG 72 NĂM XÂY DỰNG, BẢO VỆ VÀ PHÁT TRIỂN ĐẤT NƯỚC.

            1- Giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước

          Cách mạng tháng Tám thành công, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa vừa mới ra đời đã phải đương đầu với muôn vàn khó khăn. Song dưới sự lãnh đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng ta đã lãnh đạo nhân dân vừa kháng chiến vừa kiến quốc: xây dựng và củng cố vững chắc chính quyền nhân dân; lãnh đạo cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên vào ngày 06.01.1946, xây dựng Hiến pháp dân chủ đầu tiên (năm 1946); chăm lo xây dựng chế độ mới, đời sống mới của nhân dân; chống giặc đói, giặc dốt, giặc ngoại xâm; tổ chức kháng chiến chống thực dân Pháp; kiên quyết trấn áp các thế lực phản cách mạng, bảo vệ chính quyền và thành quả Cách mạng tháng Tám.

          Tháng 12.1946, trước dã tâm xâm lược nước ta một lần nữa của thực dân Pháp, Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã phát động toàn quốc kháng chiến với quyết tâm: Chúng ta thà hy sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất nước, không chịu làm nô lệ. Với đường lối kháng chiến toàn dân, toàn diện, trường kỳ kháng chiến, Đảng đã lãnh đạo nhân dân ta lần lượt đánh bại các kế hoạch chiến tranh của thực dân Pháp mà đỉnh cao là chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu, giải phóng hoàn toàn miền Bắc, đưa miền Bắc tiến lên chủ nghĩa xã hội, làm hậu phương vững chắc cho cuộc đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. 

          Cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước đã trải qua nhiều giai đoạn, nhiều chiến lược chiến tranh tàn bạo, xảo quyệt của kẻ thù. Dưới sự lãnh đạo sáng suốt, đúng đắn của Đảng, qua 21 năm chiến đấu anh dũng (1954-1975), chúng ta đã giành thắng lợi vẻ vang. Đại thắng mùa Xuân năm 1975 mà đỉnh cao là chiến dịch Hồ Chí Minh đã kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước; đưa dân tộc ta bước vào kỷ nguyên độc lập, thống nhất, cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội. 

          2- Những thành tựu trên con đường đổi mới

          Đại hội VI (tháng 12.1986) đưa ra đường lối đổi mới, mở ra bước ngoặt quan trọng trong sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội ở nước ta. Qua các kỳ đại hội, Đảng luôn khẳng định tiếp tục đổi mới đồng bộ, toàn diện trên các lĩnh vực với những bước đi, cách làm phù hợp, giữ vững định hướng xã hội chủ nghĩa; khẳng định chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh là nền tảng tư tưởng và kim chỉ nam cho hành động của Đảng.

          Qua 30 năm đổi mới, đất nước ta đã giành được những thắng lợi to lớn, có ý nghĩa lịch sử trên các mặt chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh, quốc phòng, đối ngoại, xây dựng Đảng, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, hệ thống chính trị và khối đại đoàn kết toàn dân tộc được củng cố và tăng cường; vai trò và vị thế của nước ta trên trường quốc tế ngày càng nâng cao; đời sống nhân dân ngày càng nâng cao, không khí dân chủ trong xã hội ngày càng được phát huy, văn hóa xã hội không ngừng phát triển. Việt Nam đã vượt qua ngưỡng nước nghèo, chậm phát triển trở thành nước có thu nhập trung bình; duy trì tăng trưởng ở mức hợp lý; chủ động và tích cực hội nhập quốc tế...

          III. HUYỆN MỘC CHÂU PHÁT TRIỂN SAU 72 NĂM CÁCH MẠNG THÁNG TÁM THÀNH CÔNG VÀ QUỐC KHÁNH 02/9

Cách mạng tháng Tám năm 1945 thành công đã mở ra một thời kỳ mới trong lịch sử dân tộc nói chung và nhân dân các dân tộc Mộc Châu nói riêng. Tháng 10/1945, Ủy ban cách mạng lâm thời Mộc Châu được thành lập, chế độ cũ bị xóa bỏ, nhân dân các dân tộc thoát khỏi kiếp đời nô lệ. Từ khi cuộc kháng chiến toàn quốc bùng nổ (tháng 12/1946), thực hiện lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh, cùng với nhân dân cả nước, nhân dân các dân tộc Mộc Châu bước vào cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp xâm lược.

Kháng chiến chống Pháp xâm lược (1946 - 1954) đầy khó khăn, gian khổ nhưng hết sức oanh liệt của nhân dân các dân tộc Mộc Châu dưới sự lãnh đạo của Đảng. Giai đoạn đầu của cuộc kháng chiến, cơ sở cách mạng còn mỏng, chính quyền chưa thực sự vững mạnh, tương quan lực lượng chưa có lợi cho ta. Do đó, ta phải tạm thời rút lui để bảo toàn lực lượng. Song với quyết tâm bám đất, bám dân, lực lượng của ta nhanh chóng gây dựng cơ sở cách mạng ngay trong lòng địch. Trong suốt chiều dài cuộc kháng chiến, nhân dân các dân tộc Mộc Châu đã mưu trí đánh địch nhiều trận, gây cho chúng những thiệt hại nặng nề: tháng 10/1947, lực lượng du kích Pơ Tào đã phối hợp với nhân dân bản Lòm tiêu diệt được 01 lính dõng. trong năm 1952, quân, dân Mộc Châu phối hợp và tiêu diệt địch ở đồn Mộc Lỵ, góp phần giải phóng Mộc Châu (ngày 20/11/1952); Với những đóng góp và thành tích đạt được trong kháng chiến chống Pháp, nhân dân và lực lượng vũ trang nhân dân huyện Mộc Châu vinh dự được Đảng và Nhà nước phong tặng danh hiệu “Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân” trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp (năm 2000).

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, cán bộ, đảng viên và nhân dân các dân tộc Mộc Châu thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, đẩy mạnh công cuộc cải tạo xã hội chủ nghĩa và phong trào hợp tác hóa. Năm 1962, A Má được công nhận là một trong 7 hợp tác xã tiên tiến của miền Bắc.

Những năm chống chiến tranh phá hoại của Mỹ, quân và dân Mộc Châu đã anh dũng chiến đấu và phối hợp chiến đấu, bắn rơi 31 máy bay các loại, nhiều tập thể và cá nhân được tặng Huân, Huy chương cao quý của Đảng và Nhà nước.

Mười năm đầu sau ngày đất nước thống nhất (1976 - 1986), Đảng bộ huyện Mộc Châu tiếp tục lãnh đạo nhân dân xây dựng, phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội. Từ năm 1986, thực hiện đường lối đổi mới do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo, Đảng bộ liên tục nhiều năm liền đạt trong sạch vững mạnh; các tổ chức quần chúng được củng cố kiện toàn; quyền dân chủ của nhân dân được phát huy; nhân dân tích cực lao động sản xuất, làm giàu cho gia đình và quê hương.

Hiện nay, trong xu thế hội nhập, sự ưu đãi về điều kiện tự nhiên, Mộc Châu đã và đang phát triển các mô hình trồng cây ăn quả, trồng hoa cho thu nhập cao phát huy giá trị của các di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh, bản sắc văn hóa độc đáo, để Mộc Châu trở thành điểm đến lý tưởng của khách du lịch trong và ngoài nước. Năm 2013, thực hiện Nghị quyết số 72-NQ/CP ngày 10/6/2013 của Chính phủ, huyện Mộc Châu được chia tách thành huyện Mộc Châu và huyện Vân Hồ. Với địa giới hành chính mới, quân và dân huyện Mộc Châu nỗ lực phấn đấu xây dựng huyện phát triển toàn diện trên các lĩnh vực. Mộc Châu được Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 2050/QĐ-TTg ngày 12/11/2014 phê duyệt “Quy hoạch tổng thể phát triển Khu du lịch quốc gia Mộc Châu, tỉnh Sơn La đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030”. Đây là cơ hội lớn để thúc đẩy phát triển kinh tế ở Mộc Châu, nhất là kinh tế du lịch.

Phát huy truyền thống yêu nước, ý chí tự lực, tự cường, khát  vọng  hòa bình, tinh thần đại đoàn kết các dân tộc, kỷ niệm 72 năm ngày Cách mạng tháng Tám thành công và Quốc khánh 02.9, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc Mộc Châu thể hiện lòng biết ơn sâu sắc đối với các thế hệ đã hy sinh xương máu vì độc lập dân tộc, thống nhất đất nước; quyết tâm thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp.

IV. MỘT SỐ HOẠT ĐỘNG NỔI BẬT TRONG NGÀY HỘI VĂN HÓA CÁC DÂN TỘC HUYỆN MỘC CHÂU NĂM 2017

Chào mừng Kỷ niệm 72 năm Ngày Cách mạng tháng Tám thành công và Quốc khánh 02/9, tiến tới kỷ niệm 65 năm giải phóng huyện Mộc Châu; thực hiện Kế hoạch số 1846/KH-UBND ngày 04.8.2017, huyện Mộc Châu tổ chức Ngày hội Văn hóa các dân tộc huyện Mộc Châu, năm 2017 với một số hoạt động chính gồm: Chương trình nghệ thuật với chủ đề: “Khát vọng cao nguyên”, bắn pháo bông nghệ thuật; Hội thi “Hướng dẫn viên du lịch Mộc Châu”; Hoạt động văn hóa cộng đồng đường phố; Thi Trại Văn hóa, văn hóa cộng đồng các dân tộc Mộc Châu; Hội thi ẩm thực các dân tộc Mộc Châu; Hội thi nhảy Tha Kềnh dân tộc Mông -  huyện Mộc Châu; Các hoạt động thể thao dân tộc, trò chơi dân gian. Bên cạnh đó, Ngày hội văn hóa các dân tộc huyện Mộc Châu năm 2017 còn có các hoạt động thương mại, như: Hội chợ thương mại; Tổ chức trưng bày các sản phẩm nông nghiệp huyện Mộc Châu; Chợ thổ cẩm gắn với các hoạt động tổ chức các tour tham quan du lịch trên địa bàn huyện và tổ chức các điểm hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao tại các điểm vệ tinh xã Đông Sang, Lóng Sập. Thời gian các hoạt động diễn ra từ ngày 28.8.2017 đến hết ngày 04.9.2017 tại các địa điểm sân vận động huyện, Trung tâm Văn hóa thể thao, Nhà Văn hóa huyện, sân Phòng Giáo dục cũ của huyện, các Tiểu công viên trên địa bàn thị trấn Mộc Châu và các điểm du lịch trên địa bàn huyện. Đặc biệt, năm 2017, để duy trì bảo tồn và phát triển dịch vụ du lịch, văn hóa, huyện Mộc Châu tổ chức Hội thi nhảy Tha Kềnh dân tộc Mông -  huyện Mộc Châu, Hội thi “Hướng dẫn viên du lịch Mộc Châu”, trưng bày các tác phẩm ảnh đẹp Mộc Châu, công bố Nghi lễ cấp sắc của người Dao ở Sơn La, Lễ cúng dòng họ của người Mông Sơn La, huyện Mộc Châu là  di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia...

Những hoạt động trên chắc chắn sẽ là đem lại những giây phút vui chơi, giải trí bên gia đình, bạn bè và người thân trong dịp nghỉ Lễ. Nhân dân các dân tộc huyện Mộc Châu và du khách sẽ một lần nữa được trải nghiệm và đắm mình vào những nét văn hóa đặc sắc của các dân tộc huyện Mộc Châu./.

___________

THÔNG TIN CHỈ ĐẠO ĐIỀU HÀNH
Đăng nhập
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1