Top slide banner
Độc đáo trang phục đồng bào dân tộc H'Mông

Đối với đồng bào dân tộc Mông trang phục là của cải gia truyền, là biểu tượng của sự may mắn và niềm tự hào của mỗi dòng họ. Trang phục còn phản ánh  rõ nét truyền thống văn hóa, lịch sử, tín ngưỡng và là tín hiệu giúp họ nhận ra đồng bào mình dù ở bất cứ địa phương hay quốc gia nào.

Đối với đồng bào dân tộc Mông trang phục là của cải gia truyền, là biểu tượng của sự may mắn và niềm tự hào của mỗi dòng họ. Trang phục còn phản ánh  rõ nét truyền thống văn hóa, lịch sử, tín ngưỡng và là tín hiệu giúp họ nhận ra đồng bào mình dù ở bất cứ địa phương hay quốc gia nào.


Đồng bào dân tộc Mông đã cư trú ở nước ta từ lâu đời, sinh sống chủ yếu trên các rẻo cao thuộc khu vực miền núi phía Bắc. Mộc Châu là địa bàn hội tụ của nhiều dòng Mông. So với các dân tộc khác, người Mông ở đây còn giữ được nhiều phong tục tập quán, vật dụng cổ truyền độc đáo, một trong số đó là những bộ trang phục dân tộc vô cùng rực rỡ và độc đáo


Những bộ trang phục đậm sắc màu thổ cẩm được hình thành theo năm tháng từ sự kiên trì, nhẫn nại của người phụ nữ dân tộc Mông. Một bộ trang phục cổ truyền của phụ nữ gồm váy hình nón cụt, xếp nếp, phần cạp váy được khâu xếp lại cho vừa 1 vòng bụng và có 2 dây để buộc, phần thân váy khi xòe rộng mềm mại như cánh hoa. Áo trong có cổ lật ra phía sau gáy, áo khoác ngoài không có tay.... Tuy vậy, những hoa văn, họa tiết trên váy mới là yếu tố quan trọng nhất tạo nên vẻ đẹp riêng có của trang phục đồng bào Mông. Hoa văn trên trang phục của đồng bào Mông đều hết sức mộc mạc, bắt nguồn từ các câu chuyện cổ, thơ ca về cội nguồn dân tộc, phong cảnh thiên nhiên hay phản ánh chính những biểu tượng trong cuộc sống lao động đời thường. Các họa tiết thường được thêu dưới dạng ô nằm ngang với đường viền là hình vuông, chữ thập, kết hợp với hình quả trám, tam giác, đường cong, đường lượn sóng… Bên trong là các hình ngôi sao, hoa bí, hoa cà, hoa mận, hoa đào, mỗi họa tiết đều mang những ý nghĩa khác nhau, nhưng chung nhất vẫn là thể hiện sự đoàn kết dân tộc. Trên nền váy chàm, phần thêu hoa văn được thực hiện hết sức khéo léo bởi kỹ thuật thêu, in và ghép từng tấm vô cùng độc đáo và đòi hỏi sự bền bỉ kiên nhẫn của người phụ nữ Mông. Những họa tiết này được trang trí bởi nhiều màu sắc khác nhau, mỗi dòng Mông lại sử dụng những gam mầu riêng làm chủ đạo. Song đa số là gam màu rực rỡ, tạo cho người mặc cảm giác ấm áp trong điều kiện khí hậu lạnh lẽo của vùng núi cao vừa khiến người Mông nổi bật trước đám đông trong các dịp lễ hội. Người Mông rất gắn bó với trang phục truyền thống. Hàng ngày, dù lạnh, dù nóng, làm gì, ở đâu, dù ở ngoài đồng ruộng, hay khi tham gia các trò chơi dân gian trong những ngày hội mọi người vẫn mặc trang phục truyền thống. Khi làm đồng hay việc nhà, họ có thể mặc áo quần mộc mạc, nhạt màu, ít hoa văn và không đeo nhiều trang sức, nhưng đi hội thì phải thật lộng lẫy, có bao nhiêu áo váy, vòng bạc đều diện hết. Họ cũng quan niệm ngày Tết hay lễ hội mà mặc đồ mới sẽ gặp nhiều điều may mắn hơn, nên mọi nhà đều cố gắng để có được những bộ trang phục thật đẹp diện trong dịp lễ hội. Trên những bộ trang phục dự hội của đồng bào Mông còn được đính thêm những đồng xu, đồng bạc trắng nhằm làm tăng thêm sức lôi quấn, hấp dẫn, tạo sự chú ý từ âm thanh độc đáo được phát ra do các đồng xu cọ vào nhau khi di chuyển; việc trang trí thêm những đồng xu lên các bộ trang phục còn mang ý nghĩa sâu sắc, thể hiện những mong muốn, khát khao của đồng bào về một cuộc sống ấm no, sung túc, đủ đầy. Với đồng bào Mông trang phục còn là tín hiệu giúp nhận biết tộc người và là niềm tự hào của dân tộc.


Bên những nếp nhà của đồng bào Mông miền cao nguyên Mộc Châu thơ mộng, những chị em phụ nữ với đôi bàn thay khéo léo và đức tính cần cù vẫn đang say mê tạo ra những tác phẩm nghệ thuật độc đáo, riêng có của dân tộc mình; và cũng chính việc làm này của họ hàng này cũng đang tích cực tham gia vào việc bảo tồn, gìn giữ, phát huy những nét đẹp văn hóa truyền thống, tạo ra sức hấp dẫn riêng trong trang phục của đồng bào Mông và để lại nhiều ấn tượng tốt đẹp trong lòng du khách thập phương khi đến với Khu du lịch Quốc gia mộc châu.

Anh Đức

THÔNG TIN CHỈ ĐẠO ĐIỀU HÀNH
Đăng nhập
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1