Top slide banner
Kết quả nghiên cứu về việc thực hiện trách nhiệm xã hội theo từng nội dung ở các doanh nghiệp, hợp tác xã nông nghiệp trên địa bàn Sơn La
Trong 2 năm (2020 – 2021), nhóm nghiên cứu Viện Nghiên cứu Châu Âu tiến hành khảo sát thực địa tại 50 doanh nghiệp, hợp tác xã nông nghiệp (HTXNN) tại 04 huyện của Tỉnh Sơn La là Mộc châu, Mai Sơn, Quỳnh Nhai và Thuận Châu. Dưới đây là một số kết quả nghiên cứu về việc thực hiện trách nhiệm xã hội theo từng nội dung ở các doanh nghiệp, HTXNN trên địa bàn Sơn La. 

Trong lĩnh vực môi trường

Thực hiện sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp/ HTX phải đảm bảo các yếu tố về môi trường, nhằm đạt được sự phát triển bền vững. Công tác bảo vệ môi trường hiện đang được Chính phủ đẩy mạnh thông qua các hoạt động xã hội hóa và huy động sức mạnh toàn dân. Như vậy, mô hình hợp tác xã (HTX) với đặc trưng là tổ chức cộng đồng làm kinh tế có tính tự chủ cao nhất; huy động và phát huy được tối đa sức mạnh tập thể; gắn kết được số đông người dân từ những thôn, xóm, bản làng, khu vực nông thôn, miền núi, đang được xem là nhân tố quan trọng trong hoạt động bảo vệ môi trường, đặc biệt là mội trường khu vực nông thôn.

Theo số liệu thống kê cho thấy, hiện cả nước có 28,5 % HTX đã lập báo cáo đánh giá tác động môi trường; 45,8% HTX đăng ký tiêu chuẩn cho phép về vệ sinh môi trường trong quá trình sản xuất kinh doanh. Ở cấp độ quốc gia, Liên minh HTX Việt Nam cũng đã ký kết 2 Chương trình phối hợp với Bộ TN&MT giai đoạn 2006 - 2010 và 2011 - 2015 về việc “Phát huy vai trò của kinh tế tập thể trong việc sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên và BVMT’’. Thành lập các mô hình HTX chuyên sâu trong BVMT như: HTX môi trường, HTX thu gom và xử lý rác thải, HTX nước sạch nông thôn. [1]

Tại Sơn La, trong thời gian qua, công tác bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh Sơn La đã được các cấp, các ngành quan tâm thực hiện, phát hiện và xử lý kịp thời nhiều vụ việc, cơ sở có dấu hiệu ô nhiễm, các điểm nóng về môi trường. Ý thức chấp hành các quy định của pháp luật bảo vệ môi trường của cá nhân, tổ chức có nhiều chuyển biến tích cực. Sở TN&MT đã phối hợp với các sở, ngành, các huyện, thành phố ban hành văn bản và phát hành 1.500 cuốn sổ tay hướng dẫn về BVMT với cơ sở sơ chế, chế biến cà phê quy mô hộ gia đình; 2.000 cuốn sổ tay hướng dẫn công tác BVMT trong xây dựng nông thôn mới; tổ chức 3 hội nghị tuyên truyền, phổ biến pháp luật BVMT với sự tham gia của trên 200 hộ. Vấn đề ô nhiễm môi trường bức xúc ở địa phương đã được UBND tỉnh chỉ đạo sát sao, tập trung giải quyết như: Ô nhiễm nguồn cấp nước sinh hoạt trên địa bàn thành phố Sơn La, huyện Mai Sơn do hoạt động sản xuất, sơ chế cà phê; ô nhiễm do hoạt động sản xuất đường của Công ty CP Mía đường Sơn La; các hoạt động sạt lở đất do khai thác khoáng sản tại xã Suối Bàng, huyện Vân Hồ...[2]

Tuy nhiên, theo báo cáo của Sở tài nguyên môi trường Sơn La cũng cho thấy, công tác bảo vệ môi trường hiện cũng đang gặp nhiều khó khăn bởi khả năng, trình độ chuyên môn của cán bộ cấp địa phương còn yếu, khả năng nhận thức của các cơ sở sản xuất kinh doanh còn chưa cao, trang thiết bị đánh giá tác động môi trường còn lạc hậu…

Những tồn tại trên cũng được phản ánh rõ hơn qua kết quả khảo sát của chúng tôi cho thấy, tỷ lệ các DN/ HTX không có giấy phép bảo vệ môi trường, hoặc giấy phép về môi trường không còn hiệu lực đang ở mức khá cáo với 26 DN/ HTX chiếm 52%. Đặc biệt, có đến 60% số HTX, DN không thực hiện công tác báo cáo tính hình về bảo vệ môi trường hàng năm cho các cơ quan quản lý nhà nước.

Mặc dù phần lớn các DN/ HTX không có các phương án, hoạt động đánh giá tác động mội trường, không áp dụng các biện pháp xả thải trong sản xuất, song 100% số DN/ HTX được phỏng vấn đề cho rằng, họ không nhận được bất cứ một phàn nàn nào về ô nhiễm môi trường cho công đồng địa phương.

Theo chúng tôi, vấn đề ô nhiễm môi trường ở khu vực nông thôn, đặc biệt là khu vực làng nghề luôn có chỉ số ô nhiễm môi trường cao. Bên cạnh đó, qua quan sát phần lớn HTX nông nghiệp Sơn La, nhận thấy công nghệ sản xuất ( Chè, Café) còn cũ, đơn giản, còn gây ra tiếng ồn khá lớn, lượng khí thải, xả thải chỉ được xử lý ở mức độ đơn giản như nâng độ cao của ống xả khí, hoạt động hợp tác về công nghệ giữa các HTX với viện nghiên cứu, các trường đại học còn ở mức thấp. Bên cạnh đó, mức độ quan tâm của người tiêu dùng, đặc biệt là đối với các quốc gia phát triển ( Liên minh châu Âu) đối với sản phẩm chính là mong muốn hiểu rõ hơn về chất lượng sản phẩm thông qua các thông tin khuyến cáo được in trên các bao bì sản phẩm. Một trong những yêu cầu bắt buộc cho các hàng hóa xuất khẩu sang thị trường EU, chính là việc phải tuân thủ tuyệt đối các quy định về bao bì, nhãn mác ( Ví dụ, việc sử dụng bao bì sản phẩm phải không được vi phạm quyền sở hữu trí tuệ, không gây hại đến sức khỏe con người, có đầy đủ thông tin về việc sử dụng sản phẩm…)

Tuy nhiên, số liệu khảo sát cũng cho thấy, tỷ lệ các HTX/DN chưa thực sự quan tâm, hay có các hoạt động nghiên cứu, đăng ký bản quyền, logo sản phẩm theo đúng tiêu chuẩn, quy định của chính phủ như: Thực hiện theo Nghị định của chính phủ về “ghi nhãn hàng hóa, bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ”, luật sở hữu trí tuệ, các cam kết chính phủ trong các FTA về xuất xứ, chống gian lận, giả mạo xuất xứ, ghi nhãn hàng hóa, xâm phạm quyền SHTT, chuyển tải bất hợp pháp…) còn cao. Vì vậy, để đảm bảo mục tiêu phát triển bền vững kinh tế- xã hội địa phương, thì các cơ quan chức năng cần có sự vào cuộc mạnh mẽ hơn.

Thực hiện trách nhiệm xã hội đối với người lao động

TNXH ngày càng khẳng định được tầm quan trọng đối với DN nhờ những lợi ích mang lại như tạo lợi thế cạnh tranh bền vững, cải thiện năng suất lao động và chất lượng sản phẩm. Các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới đều có chung đặc điểm là nhấn mạnh đến quyền lao động, bảo đảm tự do thương mại sẽ đóng góp cho phát triển bền vững, giúp người lao động và DN/ HTX cùng hưởng lợi ích kinh tế một cách công bằng. Cùng với đó là sự thay đổi của các điều kiện và yếu tố lao động, sự phát triển của khoa học kĩ thuật, các DN sẽ không chỉ thực hiện TNXH đối với NLĐ theo các quy định của pháp luật mà còn phải nâng cao TNXH đối với NLĐ.

Để làm rõ các nội dung của TNXH đối với người lao đông, nhóm nghiên cứu đã xây dựng bảng hỏi tìm hiểu các nội dung thực hiện theo 03 nội dung chính: (1) Chính sách của DN/ HTX đối với người lao động, trong đó tập trung vào việc khuyến khích đào tạo nâng cao trình độ người lao động, khuyến khích nhân viên tham gia các hoạt động xã hội cộng đồng; (2) Môi trường làm việc như  chính sách bảo vệ sức khỏe, sự an toàn và quyền lợi khác của người lao động tại nơi làm việc, chính sách giảm thiểu sự phân biệt đối xử với và giữa những người lào động tại nơi làm việc và (3) tuyển dụng, quản lý người lao động.

Kết quả khảo sát về chính sách của DN/HTX đối với người lao động cho thấy các DN/ HTX cũng đã nhận thức và thực hiện một phần chính sách khuyến khích người lao động  tham gia vào các hoạt động xã hội công đồng ở địa phương, thực hiện các chương trình, chính sách nhằm tạo điều kiện cho người lao động cân bằng giữa công việc với cuộc sống riêng tư (ví dụ: làm việc tại nhà, thời gian làm việc linh hoạt…)

Về môi trường làm việc, mức độ thực hiện cao nhất đạt được ở tiêu chí tạo điều kiện cho nhân viên tham gia bàn thảo các vấn đề quan trong của DN/ HTX. Phỏng vấn sâu một số HTX cũng cho thấy, việc tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm, ký kết các hợp đồng bao tiêu sản phẩm cho các thành viên xã viên đều có sự tham vấn và minh bạch đối với người lao động. Hầu hết các DN/ HTX đều cho rằng họ có chính sách và đang thực hiện một phần về “giảm thiểu sự phân biệt đối xử với và giữa những người lào động tại nơi làm việc”, “chính sách bảo vệ sức khỏe, sự an toàn và quyền lợi khác của người lao động tại nơi làm việc”…

Trong lĩnh vực tuyển dụng và quản lý người lao động, các DN/ HTX đều cho rằng họ lựa chọn các tiêu chí về kinh nghiệm, thâm niên công tác cũng như năng lực của người lao động để cất nhắc lên vị trí cao hơn như quản lý tổ nhóm lao động, phụ trách các vấn đề về kỹ thuất canh tác… hơn là các yếu tố về giới tính, hay nguồn gốc xuất thân.

Kết quả khảo sát còn cho thấy, phần lớn các DN tại đây cho rằng hệ thống pháp luật của nhà nước là yếu tố ảnh hưởng mạnh nhất đến thực hành TNXHDN, sau đó là nguồn lực của DN, hiểu biết của DN, các quy định và môi trường quốc tế, cuối cùng là nguồn nhân lực của DN. Điều này chứng tỏ việc thực hiện TNXHDN chủ yếu là theo các quy định của pháp luật mà chưa dựa trên tinh thần tự nguyện nhằm mục đích nâng cao uy tín, sức cạnh tranh, lòng tin của người tiêu dùng nhằm mở rộng thị trường. Đây cũng là một gợi ý giúp các cơ quan quản lý có các biện pháp kịp thời nhằm tăng cường nhận thức cũng như hành động thực hiện TNXHDN.

Khảo sát thực tiễn tại nhiều HTX cho thấy, việc thực hiện CSR chỉ mang tính ứng phó, thụ động, BQT chưa hiểu sâu về CSR, hoạt dộng CSR còn manh mún, chưa tác động đến hiệu quả kinh doanh

Trong bối cảnh nhiều DN/HTX lựa chọn cho ưu tiên hàng đầu là giảm các chi phí, hạ giá bán sản phẩm, do vậy, chưa có sự đầu tư về kinh phí để thực hiện CSR mang tính chiến lược. Một số tiêu chuẩn được thực hiện do yêu cầu của khách hàng, chứ không phải chủ động của DN/ HTX

Cụ thể, các công nghệ sản xuất sản phẩm chưa chú trọng dến các mối nguy hại về an toàn cháy nổ, sức khỏe người lao động, ô nhiễm môi trường, xả thải…

Hệ thống quản trị chưa được chuẩn hóa thành quy trình, văn bản ( không có bản mô tả công việc, không có thỏa ước lao động tập thể, không có các tổ chức công đoàn…)

Trả lời câu hỏi là DN/ HTX về việc chuyển đổi mô hình thực hiện CSR từ thụ động sang chiên lược, hầu hết các DN/ HTX đều mong muốn thực hiện để đáp ứng các tiêu chuẩn của đối tác, nhà nhập khẩu… song những rào cản về nguồn lực ( tài chính, kỹ thuật, …) sẽ không thể thực hiện trong tương lai gần.

Nguyễn Thị Hường, Phòng Nông nghiệp và PTNT

PGS.TS. Nguyễn Chiến Thắng, TS. Bùi Việt Hưng, TS. Hoa Hữu Cường, Viện Nghiên cứu Châu Âu

TS. Phạm Hùng Tiến, Quỹ FNF

 

* Bài viết được thực hiện dưới sự tài trợ của Viện Nghiên cứu Châu Âu và Quỹ Friedrich Naumann Stiftung für Die Freiheit (FNF), CHLB Đức.

[1] Phạm Tố Oanh (2020) “Vai trò của mô hình hợp tác xã trong công tác bảo vệ môi trường - định hướng và giải pháp phát triển” http://tapchimoitruong.vn/

[2] Nguyễn Nga (2020) Sơn La: “Chuyển biến trong công tác bảo vệ môi trường” https://baotainguyenmoitruong.vn/son-la-chuyen-bien-trong-cong-tac-bao-ve-moi-truong-303355.html

Họ tên no image
no image
Tiêu đề no image
Nội dung no image
Mã kiểm tra no image
THÔNG TIN CHỈ ĐẠO ĐIỀU HÀNH
Đăng nhập
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1