Top slide banner
Bộ tiêu chí đánh giá thực hiện trách nhiệm xã hội tại các Doanh nghiệp, hợp tác xã nông nghiệp tỉnh Sơn La
Trong khuôn khổ dự án“Thực hiện trách nhiệm xã hội (CSR) tại các doanh nghiệp và Hợp tác xã nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Sơn La trong bối cảnh thực hiện Hiệp định EVFTA”, ba năm vừa qua, Viện Nghiên cứu Châu Âu cùng đối tác là Quỹ FNF (Cộng hòa Liên bang Đức) đã tiến hành thực hiện các nghiên cứu; khảo sát thực địa; đánh giá việc thực hiện trách nhiệm xã hội tại các doanh nghiệp và hợp tác xã nông nghiệp tại địa phương; tổ chức hội thảo công bố kết quả nghiên cứu. Trong quá trình thực hiện, Viện Nghiên cứu Châu Âu đã nhận được những ý kiến góp ý vào bộ tiêu chí từ đại diện Phòng chuyên môn cấp huyện, sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Sơn La, Liên minh các Hợp tác xã tỉnh Sơn La và Sở Tài Nguyên Môi trường Sơn La. 

Đẩy mạnh xuất khẩu hàng nông sản của Việt Nam nói chung và tỉnh Sơn La nói riêng sang thị trường thế giới đang được xem là định hướng chiến lược hết sức quan trọng của Đảng và Chính phủ trong quá trình tái cấu trúc ngành nông nghiệp theo hướng phát triển bền vững. Bối cảnh Việt Nam đang ngày càng hội nhập sâu rộng với các tổ chức khu vực và quốc tế sẽ phải thực hiện đầy đủ các cam kết, quy định theo các chuẩn mực quốc tế như các quy định về hàng rào kỹ thuật (TBT), hệ thống kiểm dịch động thực vật (SPS), vấn đề sở hữu tuệ, chỉ dẫn địa lý, xuất xứ hàng hóa trong các hiệp định tự do thương mại thế hệ mới như: CPTPP, EVFTA… đang đặt ra những cơ hội và thách thức đối với xuất khẩu mặt hàng nông sản chủ lực của Sơn La.

Khả năng mở rộng và tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu hàng nông sản của Sơn La sang thị trường EU đang mở ra những cơ hội và tiềm năng lớn hơn khi mà Việt Nam và EU đã hoàn tất việc ký kết và thực thi hiệp định  EVFTA.  Tuy nhiên, để tận dụng được cơ hội này, các doanh nghiệp sản xuất, chế biến và xuất khẩu mặt hàng nông sản của Sơn La phải vượt qua hàng loạt những thách thức đến từ EVFTA cũng như chính những vấn đề nội tại của các doanh nghiệp địa phương: những thách thức về hàng rào kỹ thuật (TBT), hệ thống kiểm dịch động thực vật (SPS), vấn đề sở hữu tuệ, chỉ dẫn địa lý… 

Trong khi hệ thống cơ chế chính sách của Việt Nam, của các địa phương chưa đồng bộ và đang trong quá trình hoàn thiện, các doanh nghiệp/ HTX sản xuất, chế biến và xuất khẩu nông sản của Sơn La phần lớn có quy mô vừa và nhỏ với tiềm lực tài chính hạn hẹp, công nghệ sản xuất, chế biến lạc hậu, trình độ quản lý doanh nghiệp chưa đáp ứng được yêu cầu thực tiễn… đang là những thách thức đặt ra đòi hỏi phải có những giải pháp cụ thể cho vấn đề này.

Trong bối cảnh triển khai EVFTA, phát triển thị trường hàng xuất khẩu nông sản chủ lực của tỉnh đòi hỏi các cấp chính quyền địa phương, doanh nghiệp, hộ nông dân không chỉ đòi hỏi nắm vững về quy trình sản xuất, các quy định của Hiệp định thương mại, thị hiếu khách hàng… để có thể đề ra những chiến lược, cơ chế chính sách hỗ trợ nhằm đưa những sản phẩm của địa phương mình tiếp cận được thị trường quốc tế rộng lớn  mà còn đặt ra những yêu cầu về việc thực thi trách nhiệm xã hội ( CSR).

Khởi đầu từ các nước  phát  triển,  sau đó  hoạt  động  trách nhiệm  xã hội phát triển rộng ra ở các nước đang phát triển và Việt Nam không phải là ngoại lệ, đặc biệt trong xu thế hội nhập  và  cạnh  tranh gay  gắt  như hiện nay. Các doanh nghiệp đóng vai trò kết nối các chủ thể của nền kinh tế và cần tiên phong trong thực thi các xu  hướng  toàn  cầu  như  trách  nhiệm  xã  hội  của doanh nghiệp (CSR). Toàn cầu hóa và việc chia sẻ thông  tin  một  cách  dễ  dàng  trên  quy  mô  toàn  thế giới đã đẩy trách nhiệm xã hội trở thành vấn đề đi đầu trong kế hoạch chiến lược của các loại tổ chức kể cả tổ chức lợi nhuận và phi lợi nhuận. Do đó, các hoạt động liên quan đến phát triển bền vững đi đôi với hiệu quả kinh tế cũng diễn ra rất sôi nổi. 

Trong bối cảnh Việt Nam đang hội nhập ngày càng sâu vào nền kinh  tế toàn cầu đã mở ra nhiều triển vọng mới, kèm theo đó là những thách thức không hề nhỏ cho hoạt động của từng doanh nghiệp/ HTX. Hiện nay, một số những tồn tại, mặt trái trong hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp đang còn gây ra những bức xúc đối với toàn xã hội như vấn đề về ô nhiễm môi trường của doanh nghiệp, vi phạm đạo đức kinh doanh, thiếu trách nhiệm về an toàn thực phẩm … Chính vì vậy, thực hiện trách nhiệm xã hội ở các doanh nghiệp/ HTX, hướng đến phát triển bền vững trên tất cả các góc độ từ kinh tế, xã hội đến môi trường được đặt ra là một yêu cầu hết sức cấp thiết cần được thực thi.


Với tính cấp thiết như vậy, dựa trên các kết quả nghiên cứu, khảo sát thực tiễn tình hình thực hiện trách nhiệm xã hội đối với các doanh nghiệp/ HTX nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Sơn La trong thời gian qua, nhóm nghiên cứu đưa ra  “ Bộ tiêu chí đánh giá thực hiện trách nhiệm đối với các doanh nghiệp và HTX nông nghiệp” để các DN/ HTX nông nghiệp trên địa bàn Tỉnh Sơn La áp dụng thực hiện, cũng như cơ sở để các cơ quan chức năng tỉnh Sơn La hoàn thiện hơn các chính sách hỗ trợ, khuyến khích và giám sát việc thực hiện trách nhiệm xã hội ở các doanh nghiệp/ HTX nông nghiệp trên địa bàn.

1. Mục đích ban hành bộ tiêu chí đánh giá

• Doanh nghiệp/HTX nông nghiệp tự đánh giá việc tuân thủ thực hiện trách nhiệm xã hội theo cam kết của Chính phủ trong EVFTA 
• Các cơ quan quản lý tiến hành đánh giá việc thực hiện trách nhiệm xã hội tại các Doanh nghiệp/HTX nông nghiệp.

 2. Mục tiêu của bộ tiêu chí

 2.1. Mục tiêu chung 

 Khuyến khích, định hướng và thúc đẩy các DN/ HTX nông nghiệp thực hiện đầy đủ các hoạt động trách nhiệm xã hội nhằm nâng cao uy tín, thương hiệu, hình ảnh doanh nghiệp/ HTX nông nghiệp, cải thiện chất lượng hàng nông sản được tạo ra, đáp ứng sự hài lòng cho người lao động và đóng góp cho sự phát triển kinh tế địa phương, phù hợp với bối cảnh kinh tế - xã hội đất nước.

 2.2. Mục tiêu cụ thể 

 - Cung cấp công cụ đánh giá thực trạng thực hiện trách nhiệm xã hội tại các doanh nghiệp/ HTX nông nghiệp;
- Hỗ trợ cho các DN/ HTX nông nghiệp xác định được chất lượng, hiệu quả của các hoạt động trong sản xuất kinh doanh,  từ đó có các hoạt động, chiến lược can thiệp nhằm cải thiện các chất lượng của các hoạt động đối với việc thực hiện trách nhiệm xã hội; 
- Định hướng cho DN/ HTX nông nghiệp xác định vấn đề ưu tiên để cải tiến các hoạt động thực hiện trách nhiệm xã hội;
- Cung cấp tư liệu, căn cứ khoa học cho việc xếp loại, khen thưởng và thi đua của các DN/HTX nông nghiệp;
- Cung cấp tư liệu, căn cứ khoa học cho đầu tư, phát triển, quy hoạch các DN/ HTX nông nghiệp.

 3. Giải thích từ ngữ: Trong Bộ tiêu chí này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

 3.1. Tiêu chuẩn 

 Là các yêu cầu, mục đích, mong đợi hướng đến để bảo đảm các hoạt động của doanh nghiệp/HTX nông nghiệp đạt được trách nhiệm xã hội.

 3.2. Tiêu chí

 Là các yếu tố dùng để đo lường hoặc kiểm tra, giám sát mức độ yêu cầu cần đạt được ở một khía cạnh cụ thể của mỗi tiêu chuẩn. Mỗi tiêu chí có thể bao gồm một hoặc nhiều chỉ số đánh giá việc thực hiện trách nhiệm xã hội. Tiêu chí thiết lập một danh mục cần kiểm tra về việc tuân thủ hoặc không tuân thủ; đáp ứng hoặc không đáp ứng; đạt hoặc không đạt. Quá trình đo lường, kiểm tra, giám sát này có thể đưa đến kết luận một tiêu chuẩn đã đạt hoặc chưa đạt.

 3.3. Chỉ số 

 Là công cụ đo lường một khía cạnh cụ thể của tiêu chí, được thể hiện bằng con số, tỷ lệ, tỷ số, tỷ suất… Chỉ số được tính toán thông qua việc thu thập, phân tích số liệu. Các chỉ số giúp đo lường và chỉ ra mức độ chất lượng đạt được của tiêu chí.

 3.4. Mức (mức độ đánh giá của tiêu chí) 

 Là các cấp độ chất lượng từ thấp đến cao của một tiêu chí cụ thể, tương tự như các bậc thang. Trong văn bản này, mỗi tiêu chí được chia làm 5 mức độ đánh giá ( mức 1 đến mức 5).

 3.5. Tiểu mục (của tiêu chí)

 Là các nội dung, hoạt động, kết quả, cụ thể cần đánh giá của một tiêu chí. Mỗi tiểu mục chứa đựng một nội dung, hoạt động, kết quả hoàn chỉnh, khi đánh giá được xếp là đạt hoặc không đạt. Tiêu chí tập hợp một loạt các tiểu mục được đánh số thứ tự từ 1 đến hết. Mỗi mức độ chất lượng có thể có một hoặc nhiều tiểu mục.

4. Kết cấu bộ tiêu chí

 4.1. Kết cấu các tiêu chí đánh giá việc chất lượng thực hiện trách nhiệm xã hội

Bộ tiêu chí được kết cấu theo chuẩn quốc tê về trách nhiệm xã hội, chia làm 6 phần A, B, C, D, E, F) 
– Phần A: Kết quả kinh doanh (07 tiêu chí) 
– Phần B: Quản trị Doanh nghiệp/ HTX (10 tiêu chí)
– Phần C: Chất lượng và an toàn sản phẩm (09 tiêu chí)
– Phần D: Lao động và xã hội (12 tiêu chí) 
– Phần E: Môi trường (03tiêu chí) 
– Phần F: Các hoạt động từ thiện (01 tiêu chí) 
Trong mỗi một phần được chia thành các mục, mỗi mục có một số tiêu chí nhất định (mỗi mục có thể được xem xét như là một tiêu chuẩn trách nhiệm xã hội).

 4.2. Kết cấu một tiêu chí đánh giá

 Mỗi tiêu chí đề cập một vấn đề xác định, được xây dựng dựa trên năm bậc thang chất lượng (năm mức độ đánh giá). Một tiêu chí xem xét các khía cạnh toàn diện của một vấn đề và bao hàm các nội dung về yếu tố cấu trúc, yếu tố quy trình thực hiện và kết quả đầu ra. Năm mức độ chất lượng như sau:
 – Mức 1: DN/HTX nông nghiệp thực hiện TNXH kém
 – Mức 2: DN/HTX nông nghiệp thực hiện TNXH trung bình
 – Mức 3: DN/HTX nông nghiệp thực hiện TNXH đạt
 – Mức 4: DN/HTX nông nghiệp thực hiện TNXH tốt
 – Mức 5: DN/HTX nông nghiệp thực hiện TNXH rất tốt

5. Phương pháp đánh giá tiêu chí

 5.1. Nguyên tắc chung đánh giá tiêu chí 

1. Mỗi tiêu chí được đánh giá theo 5 mức từ mức 1 đến mức 5. 

5.2. Nguyên tắc chung đánh giá các tiểu mục của tiêu chí

1. Mỗi một tiểu mục của tiêu chí được đánh giá là “đạt” hoặc “không đạt” và xác định theo thang điểm: Mức 1 tương ứng với 1 điểm và mức 5 tương ứng với 5 điểm.
2. Phạm vi thời gian đánh giá của mỗi tiêu chí được tính mốc trong 1 năm nếu tiểu mục không có các yêu cầu cụ thể về mặt thời gian.
3. Các tiểu mục cần phỏng vấn ý kiến của người lao động được đánh giá là đạt nếu khảo sát/phỏng vấn 7 người và có từ 5/7 người trở lên trả lời đồng ý  hoặc phỏng vấn 9 người và có trên 7/9 người đồng ý 

5.3. Phương thức đánh giá các tiểu mục của tiêu chí

1. Quan sát thực trạng, theo dõi hoạt động của doanh nghiệp/ HTX. 
2. Tra cứu sổ sách, máy tính, văn bản, nhật ký, tài liệu, số liệu… 
3. Kiểm tra, phỏng vấn nhanh người lao động.
5.4. Phương thức tính điểm cho một tiêu chí
Tiêu chí được đánh giá đạt mức nào được tính điểm tương ứng với mức đó (dao động từ 1 đến 5 điểm).

Lê Kim Oanh, Phòng Nông nghiệp và PTNT

PGS.TS. Nguyễn Chiến Thắng, TS. Bùi Việt Hưng, TS. Hoa Hữu Cường, Viện Nghiên cứu Châu Âu

 TS. Phạm Hùng Tiến, Quỹ FNF

 

* Bài viết được thực hiện dưới sự tài trợ của Viện Nghiên cứu Châu Âu và Quỹ Friedrich Naumann Stiftung für Die Freiheit (FNF), CHLB Đức.

 
Họ tên no image
no image
Tiêu đề no image
Nội dung no image
Mã kiểm tra no image
THÔNG TIN CHỈ ĐẠO ĐIỀU HÀNH
Đăng nhập
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1