Lễ hội mừng cơm mới của đồng bào dân tộc Thái ở Mộc Châu đã có từ lâu đời. Người dân tộc Thái nơi đây quan niệm để có một vụ mùa bội thu thì sự phù hộ của đất trời, tổ tiên là rất quan trọng. Vì vậy, sau khi thu hoạch lúa xong, các gia đình đều làm lễ cúng cơm mới với ý nguyện bày tỏ lòng biết ơn với đất trời, tổ tiên.
Lễ hội mừng cơm mới được người Thái coi trọng và gìn giữ từ đời này sang đời khác bởi nó vừa mang tính tín ngưỡng, vừa mang tính giáo dục sâu sắc. Đây cũng là dịp để mọi người trong gia đình, bạn bè, làng xóm hội ngộ, chung vui, chia sẻ với nhau về công việc làm ăn, kinh nghiệm xây dựng gia đình no ấm, hạnh phúc và thắt chặt thêm tình đoàn kết trong cộng đồng dân cư.
Anh Lữ Văn Hiệp, Trưởng bản Áng, xã Đông Sang, huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La nói: Lễ cúng cơm mới là một trong những nét văn hóa tín ngưỡng của đồng bào dân tộc Thái ở Mộc Châu với ý nghĩa tạ ơn thần linh, trời đất bản sứ, cầu cho mùa vụ tươi tốt, cuộc sống ấm no quanh năm.
Nghi lễ đầu tiên là Lễ cúng cơm mới, mâm cỗ cúng gồm có cơm, cốm non, gà, cá, các loại rau rừng và hoa quả. Các lễ vật được chia làm 2 mâm lễ: 1 mâm lễ để cúng thổ địa, 1 mâm lễ cúng tổ tiên.
Ông Lữ Văn Lực, Bản Áng, xã Đông Sang, huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La nói: Ngoài những lễ vật thì trên mâm lễ dâng lên tổ tiên nhất định phải bát cơm mới để mời tổ tiên về mừng cơm mới. Dù năm đó làm ăn có được mùa hay mất mùa, làm lễ to hay nhỏ thì gia đình nhà nào cũng phải làm. Để báo cáo tổ tiên và cầu mong cho một vụ mùa năm sau mưa thuận gió hòa,…
Ngay sau phần Lễ là phần Hội, phần hội diễn ra với các hoạt động văn hóa, thể thao, chơi các trò chơi dân gian mang đậm bản sắc của đồng bào dân tộc Thái như hát then, đi cầu kiều, múa xòe đoàn kết,… tất cả tạo nên không khí rộn ràng, sôi động vui mừng đón một mùa bội thu.
Chị Hoàng Thị Diên, Bản Áng, xã Đông Sang, huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La nói: Cũng chẳng biết có từ bao giờ, từ khi tôi sinh ra đã có lễ hội Mừng cơm mới. Sau phần lễ, phần hội diễn ra vui vẻ, phấn khởi, thể hiện được tinh thần đoàn kết vượt qua mọi khó khăn. Người dân trong bản từ già trẻ, gái trai đều được tụ hội lại để giao lưu, học hỏi kinh nghiệm, trao đổi cách làm ăn, cho vụ mùa tới,...
Cùng với những tiềm năng du lịch sẵn có, việc duy trì tổ chức thường niên Lễ hội Mừng cơm mới của đồng bào Thái không chỉ góp phần gìn giữ, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống mà còn tạo ra sản phẩm du lịch hấp dẫn thu hút đông đảo du khách đến tìm hiểu và khám phá./.