Top slide banner
Tái hiện quy trình sản xuất trang phục người H'Mông

Để làm được những bộ váy áo thật đẹp và rực rỡ, những người phụ nữ H’Mông đã phải rất cần cù, chịu khó và trải qua nhiều công đoạn không hề đơn giản.  

Để làm được những bộ váy áo thật đẹp và rực rỡ, những người phụ nữ H’Mông đã phải rất cần cù, chịu khó và trải qua nhiều công đoạn không hề đơn giản. Dù ngày nay cuộc sống của người H'Mông có nhiều thay đổi, tiện nghi và hiện đại hơn nhưng những phụ nữ H’Mông vẫn giữ gìn bản sắc qua trang phục độc đáo của họ. Tại ngày hội văn hóa các dân tộc huyện Mộc Châu năm 2014, những người H’Mông ở bản tà phình xã Tân Lập sẽ tái hiện lại quy trình sản xuất 1 chiếc váy Mông truyền thống để du khách có cơ hội tìm hiểu về kỹ thuật thêu dệt thổ cẩm, vẽ sáp ong hay ghép vải nổi tiếng của người H'Mông nơi đây.

Đối với người Mông ở Mộc Châu, Sơn La việc trồng lanh, dệt vải, tự may trang phục cho mình đã có từ lâu đời. Trang phục của người H’Mông không chỉ thể hiện sự cầu kỳ, tinh tế kỹ lưỡng trong từng hoa văn chứa đựng tính thẩm mỹ mà còn là nét tâm linh truyền thống của dân tộc có từ xa xưa, đó chính là tín hiệu để nhận biết cội nguồn trang phục truyền thông dân tộc Mông.

Quy trình để sản xuất 1 chiếc váy Mông rất cầu kỳ, đòi hỏi sự kiên trì, nhẫn nại, chịu khó của những người phụ nữ H’Mông. Để dệt được một tấm vải, người dân phải làm nương và gieo trồng cây lanh trong khoảng thời gian từ 4 – 5 tháng. Thường thì cây lanh được trồng vào tháng 4 và thu hoạch vào tháng 7 hàng năm. Những cây lanh thẳng, đẹp, có ít mắt sẽ được chọn để hong khô trên gác bếp hoặc phơi nắng trong khoảng một tháng. Sau đó bóc vỏ lanh, tước ra thành từng sợi nhỏ. Việc tước vỏ lanh cũng đòi hỏi sự khéo léo và kỹ thuật để sợi lanh thật đều, dài sợi và không bị đứt. Nối lanh được thực hiện bằng cách chập hai đầu của hai sợi lanh lại, theo nguyên tắc ngon nối với ngọn, gốc nối với gốc và cuốn thành từng cuộn đem luộc trong nước tro. Công đoạn này được tiến hành nhiều lần cho đến khi sợi lanh luộc xong đem giặt sạch sẽ có màu trắng ngà. Như vậy công việc chuẩn bị sợi đã hoàn tất việc dệt vải sẽ được bắt đầu.

Khung cửi dệt vải của đồng bào dân tộc Mông rất đơn giản, chỉ có hai thanh gỗ tiết diện 12 cm x 12 cm, dài 60 cm đặt cách xa nhau khoảng 50 cm. Giữa hai thanh gỗ đó có bốn thanh ngang nhỏ hơn ghép vào hai thanh đứng tạo thành khung cửu. Vải dệt xong được vẽ những đường hoa văn theo ý muốn bằng sáp ong sau đó mới đem nhuộm chàm. Khi vải có màu sẫm sẽ đem vải nhúng vào nước sôi, sáp sẽ tan ra và để nổi lên các họa tiết màu trắng trên tấm vải đó. Với các hình vẽ trên vải đã được nhuộm người phụ nữ Mông tiếp tục thêu hoa, ghép vải hoa, hoặc vài màu để tạo thành những hoa văn cầu kỳ, hình kỷ hà, hình chữ nhật, hình vuông, hình thoi… Những bộ trang phục của người H’Mông chính là một tác phẩm nghệ thuật thực sự, nó thể hiện được sự tinh tế, trí tưởng tượng vô cùng phong phú của người dân tộc H’Mông.

Trang phục của người H’Mông mang những nét văn hoá đặc trưng riêng không thể lẫn với bất kỳ trang phục của dân tộc nào khác. Tái hiện lại quy trình sản xuất một chiếc váy của người phụ nữ H’Mông không chỉ là cơ hội để du khách hiểu rõ hơn, đến gần hơn với những nét đẹp văn hoá truyền thống của người H’Mông mà còn mang một  ý nghĩa vô cùng to lớn trong việc bảo tồn, giữ gìn nét đẹp truyền thống qua trang phục của người H’Mông ở Mộc Châu.

THÔNG TIN CHỈ ĐẠO ĐIỀU HÀNH
Đăng nhập
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1