Top slide banner
Đồng bào Dân tộc thiểu số Mộc Châu thi đua thực hiện thắng lợi quyết tâm thư Đại hội lần thứ II

Trong những năm qua dưới sự lãnh đạo, điều hành trực tiếp của Đảng bộ, chính quyền huyện, nhân dân các dân tộc Mộc Châu đã đoàn kết, tương trợ, giúp đỡ nhau cùng phát triển. Bên cạnh đó, nhờ chính sách hỗ trợ của Đảng nhà nước, đời sống của đồng bào các dân tộc thiểu số trong huyện từng bước được cải thiện và nâng lên rõ rệt, quốc phòng, an ninh được giữ vững, nhân dân các dân tộc trong huyện tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng và nhà nước.

Đại hội Đại biểu các dân tộc thiểu số huyện Mộc Châu lần thứ II là sự kiện chính trị - xã hội quan trọng nhằm tổng kết, đánh giá công tác dân tộc trong 5 năm; tiếp tục xây dựng, củng cố niềm tin của đồng bào các dân tộc thiểu số đối với sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước; đồng thời tôn vinh và biểu dương các tập thể, cá nhân tiêu biểu trong đồng bào các dân tộc thiểu số ở địa phương, để tiếp tục cổ vũ và khơi dậy lòng tự hào dân tộc, ý chí tự lực, tự cường, phát huy sức mạnh đại đoàn kết các dân tộc trong công cuộc đổi mới.

Huyện Mộc Châu có diện tích trên 108.166h ha, dân số 106.038 người thuộc 10 dân tộc, trong đó dân tộc Kinh chiếm 38,5%; dân tộc Thái chiếm 30,1%; dân tộc Mông chiếm 12,2%; dân tộc Mường chiếm 12,4%; dân tộc Dao chiếm 5,7%; dân tộc Sinh Mun chiếm 0,7%, dân tộc Tày chiếm 0,08%; các dân tộc khác chiếm 0,06%.

Trong những năm qua dưới sự lãnh đạo, điều hành trực tiếp của Đảng bộ, chính quyền huyện, nhân dân các dân tộc Mộc Châu đã đoàn kết, tương trợ, giúp đỡ nhau cùng phát triển. Bên cạnh đó, nhờ chính sách hỗ trợ của Đảng nhà nước, đời sống của đồng bào các dân tộc thiểu số trong huyện từng bước được cải thiện và nâng lên rõ rệt, quốc phòng, an ninh được giữ vững, nhân dân các dân tộc trong huyện tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng và nhà nước.

Để phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn, Đảng bộ, chính quyền, nhân dân các dân tộc Mộc Châu đã và đang tích cực phát huy tiềm năng, lợi thế tự nhiên để phát triển sản xuất nông nghiệp gắn với chế biến, tạo ra những bước đột phá mơi mãnh mẽ. Trên mặt trận sản xuất nông nghiệp đã có sự chuyển biến mạnh về cơ cấu cây trồng vật nuôi, đẩy mạnh thâm canh, áp dụng nhiều tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, để nâng cao năng suất, chất lượng nông sản, giúp nông sản trở thành mặt hàng có giá trị kinh tế cao. Tại các xã có điều kiện thuận lợi phát triển nông nghiệp, nông dân đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu cây trồng nâng cao giá trị sử dụng đất; diện tích sản xuất lúa 1 vụ được chuyển sang sản xuất thêm một vụ rau màu hoặc ngô; tăng cường sản xuất cây rau màu.

Không những chuyển đổi cơ cấu mùa vụ cây lương thực nông dân một số xã còn chuyển đổi từ trồng ngô thương phẩm sang trồng ngô làm thức ăn ủ ướp. Việc trồng ngô làm thức ăn ủ ướp, năng xuất trung bình khoảng 50 tấn (cây và bắp)/ha, giá bán từ 1.000 đến 1200 đồng/kg đem lại thu nhập khá cao, nông dân lại không mất nhiều công chăm sóc, thu hoạch; không phải lo đầu ra của sản phẩm vì trồng được bao nhiêu Công ty CP giống bò Sữa  Mộc Châu bao tiêu toàn bộ sản phẩm.  

Bên cạnh những mô hình sản xuất nông nghiệp truyền thống, huyện Mộc Châu còn quan tâm đầu tư, hình thành một số vùng sản xuất, kinh doanh rau, hoa, quả chất lượng cao. Đến nay, Mộc Châu đã thu hút được 6 doanh nghiệp đầu tư trên 20 tỷ đồng xây dựng 4 điểm sản xuất rau, hoa công nghệ cao với doanh thu đạt từ 1 đến 1,2 tỷ đồng/ha/năm, giải quyết việc làm cho hàng trăm lao động địa phương. Không chỉ chú trọng sản xuất đạt hiệu quả kinh tế cao gần đây nông dân Mộc Châu còn chú trọng việc sản xuất nông nghiệp theo tiêu chuẩn Vietgap để bảo vệ môi trường và vệ sinh an toàn thực phẩm.

Diện tích cây ăn quả ôn đới như đào, mận hậu tiếp tục khẳng định là nhóm cây quan trọng trong công tác xóa đói giảm nghèo, đem lại nguồn thu hàng tỷ đồng cho nhân dân mỗi năm. Năm 2014, Ngày hội hái quả mận hậu Mộc Châu lần thứ nhất được tổ chức với chủ đề: “Mận hậu Mộc Châu”. Ngày hội hái quả đã thu hút sự tham gia đông đảo của nhân dân các dân tộc huyện Mộc Châu và khách du lịch, góp phần giới thiệu, quảng bá sản phẩm mận hậu Mộc Châu; tạo cơ hội để những người trồng mận được giao lưu, học hỏi, nâng cao kiến thức, kinh nghiệm trồng mận; thu hút được sự quan tâm của các nhà đầu tư; các doanh nghiệp và nhân dân cả nước đối với quả mận hậu Mộc Châu. Hoạt động này còn mang một ý nghĩa to lớn đối với việc phát triển nông nghiệp và du lịch huyện Mộc Châu.

Việc tổ chức Ngày hội hái quả mận hậu Mộc Châu năm 2014 thành công sẽ tạo đà để cây mận hậu nói riêng, sản xuất nông nghiệp và du lịch Mộc Châu nói chung  ngày càng phát triển, vươn xa hơn trong tương lai.

Chương trình phát triển cây công nghiệp được quy hoạch với diện tích phù hợp và tập trung đầu tư thâm canh vùng nguyên liệu gắn với công nghiệp chế biến và thị trường. Hiện trên địa bàn huyện Mộc Châu có tổng diện tích trên 1748 ha, sản lượng chè búp tươi đạt gần 17 nghìn tấn/năm, bình quân 1 năm ngành chè đóng góp khoảng 15 tỷ đồng cho ngân sách nhà nước. Phát triển cây chè tại Mộc Châu không những tạo bước chuyển dịch trong phát triển nông nghiệp mà còn góp phần thay đổi hướng sản xuất, xoá đói giảm nghèo cho bà con đồng bào dân tộc thiểu số vùng nguyên liệu chè

Chương trình phát triển chăn nuôi tiếp tục được quan tâm đầu tư, phát triển khá toàn diện cả về quy mô và chất lượng, trong đó trọng tâm là phát triển đàn đại gia súc, với tốc độ phát triển hàng năm tăng từ 14 đến 16%.  Đến nay tổng đàn bò sữa đạt trên 14.000 con. Tại xã vùng 3 đặc biệt khó khăn của Mộc Châu, tuy không có tiềm năng lợi thế để phát tiển những loại cây trồng vật nuôi chủ lực của huyện như bò sữa, chè đã triển khai phát triển nuôi bò sinh sản, tạo bước đột phá trong việc thực hiện chủ trương chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế và phù hợp với điều kiện tự nhiên tại địa phương.

Đồng bào các dân tộc thiểu số huyện Mộc Châu đã phát huy truyền thống cần cù, sáng tạo, không trông chờ, ỷ lại, không cam chịu đói nghèo, dám nghĩ, dám làm, phát huy lợi thế điều kiện tự nhiên, thi đua lao động sản xuất và trở thành những tấm gương tiêu biểu trong phát triển kinh tế trên mảnh đất cao nguyên tươi đẹp. Đến nay, toàn huyện hiện có 5.492 hộ sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp, trong đó có trên 3.500 hộ là người dân tộc thiểu số chiếm trên 60% số hộ sản xuất kinh doanh giỏi.

Cùng với những phát triển vượt bậc trên lĩnh vực sản xuất nông nghiệp Mộc Châu đang đẩy mạnh tốc độ tăng trưởng công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp theo hướng đổi mới công nghệ, nâng cao chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của sản phẩm. Đến nay trên địa bàn huyện đã có gần 1000 doanh nghiệp, cơ sở sản xuất quy mô vừa và nhỏ, giải quyết việc làm và thu nhập ổn định cho hàng chục nghìn lao động. Giá trị sản xuất toàn ngành đạt khoảng 1.141 tỷ, chiếm trên 30%, tăng gấp 2,3 lần so với năm 2005. Sau nhiều năm tích cực, chủ động kêu gọi, thực hiện ưu đãi các nhà đầu tư, Mộc Châu đã thu hút được 13 nhà đầu tư trong nước, 3 nhà đầu tư nước ngoài vào đầu tư trên địa bàn. Năm 2012, UBND tỉnh Sơn La đã cấp phép đầu tư và khởi công Cụm công nghiệp Bó Bun Mộc Châu. Đây là dự án cụm công nghiệp đầu tiên của huyện Mộc Châu và thứ 3 của tỉnh Sơn La. Dự án sẽ đi vào hoạt động, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế của huyện vùng cao biên giới Mộc Châu, từ sản xuất nông nghiệp sang sản xuất công nghiệp và dịch vụ.

Tạo hóa thiên nhiên không những ưu đãi cho Mộc Châu tiềm năng thế mạnh phát triển kinh tế nông, công nghiệp mà còn ban tặng miền đất cao nguyên vẻ đẹp tiềm ẩn và hùng vĩ. Đây là tiềm năng, được đánh giá như Đà Lạt thứ 2 của Việt nam để phát triển du lịch. Phát huy thế mạnh này, những năm gần đây Mộc Châu đã chọn phát triển du lịch là nhiệm vụ ưu tiên số 1 nhằm tạo bước chuyển mang tính đột phá cho kinh tế của huyện và trở thành khu du lịch quốc gia. Bên cạnh đó những nét văn hóa truyền thống đặc sắc, đa dạng của đồng bào các dân tộc không ngừng được bảo tồn, lưu giữ và phát huy. Ngày hội văn hóa các dân tộc đã tổ chức hàng năm vào dịp kỷ niệm cách mạng tháng Tám, quốc khánh 2/9 vớiquy mô ngày một lớn hơn, nhằm tăng cường tình đoàn kết các dân tộc sự tin tưởng của nhân dân vào chủ trương đường lối lãnh đạo của Đảng, chính sách pháp luật của nhà nước đồng thời nêu cao ý thức xây dựng, giữ gìn và phát huy những nét văn hóa đặc sắc, xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc các dân tộc. Đây cũng dịp để Mộc Châu quảng bá những nét văn hóa đặc sắc, những sản phẩm chất lượng cao đến với du khách thập phương. Trong Ngày hội Văn hoá các dân tộc  Mộc Châu 2014 với sự tham gia của các dân tộc Mông, Dao, Thái, Mường, Kinh đã thể hiện rõ nét những nét đẹp văn hóa đặc sắc và vô cùng độc đáo của các dân tộc. Mỗi dân tộc có những nét văn hóa đặc trưng riêng đã tạo nên một “bức tranh” phong phú, đa sắc màu, đậm đà bản sắc của đồng bào các dân tộc đang sinh sống trên mảnh đất cao nguyên tươi đẹp đồng thời thể hiện tinh thần đoàn kết, gắn bó giữa các dân tộc trong cuộc sống, lao động sản xuất để xây dựng Mộc Châu ngày càng phát triển giàu mạnh và văn minh. Điều để lại ấn tượng tốt đẹp, đối với du khách còn là những tình cảm chân thành, mộc mạc, sự đoàn kết của những con người trên Cao nguyên Mộc Châu.

Lĩnh vực giáo dục đào tạo cũng đạt những thành tựu vượt bậc. Hiện tại, huyện Mộc Châu có 72 trường học với trên 28 nghìn học sinh các bậc học và trên 2.388 cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên, trong đó: 23 trường mầm non; 22 trường tiểu học; 22 Trường THCS; 04 trường THPT và 01 Trung tâm giáo dục thường xuyên. Số trường học không ngừng được chuẩn hóa, cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học được đầu tư, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục ở tất cả các bậc học ngành học.

Công tác chăm sóc sức khỏe cho nhân dân được quan tâm đúng mức, tạo bước phát triển vượt bậc về kỹ thuật và phương tiện khám chữa bệnh, phục tốt nhất nhu cầu khám chữa bệnh của nhân dân. Hệ thống cơ sở y tế gồm 1 bệnh viện đa khoa, 1 Trung tâm y tế huyện, 15 trạm y tế xã, thị trấn, trong đó Trạm Y tế thị trấn  Mộc Châu đạt bộ tiêu chí quốc gia về y tế xã giai đoạn  2011-2020. Do vậy, đã từng bước làm thay đổi nhận thức của nhân dân các dân tộc về phòng chống dịch bệnh, chất lượng khám chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe ban đầu cho nhân dân trong huyện không ngừng được nâng lên.

Cùng với việc đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, huyện  Mộc Châu triển khai  phong trào “Xây dựng Mộc Châu xanh, sạch, đẹp và văn minh” gắn với phong trào “Xây dựng đời sống văn hoá ở khu dân cư”, tạo phong trào thi đua sôi nổi, thực hiện tốt việc bảo vệ môi trường, xây dựng nét đẹp văn hóa, huy động nhân dân tham gia đóng góp xây dựng các công trình phúc lợi. Với sự hỗ trợ của nhà nước, sự vào cuộc của cấp ủy chính quyền từ xã đến bản đã tạo nên sự đồng thuận của người dân đóng góp công sức tiền của để xây dựng các tuyến đường nông thôn sạch sẽ hơn, đẹp hơn, thuận lợi hơn. Không chỉ huy động nhân dân đóng góp công sức tiền của, để thi công tuyến đường nhân dân các cơ sở còn phải tháo gỡ hàng trăm mét tường xây, hàng rào, hàng chục cây ăn quả các loại để hiến đất làm đường. Kết quả đến nay các xã đã đầu tư xây dựng được 19 tuyến đường giao thông với tổng kinh phí hơn 12 tỷ đồng, trong đó nhân dân vận động đóng góp được hơn 7 tỷ đồng, còn lại là do nhà nước hỗ trợ. Chương trình xây dựng nông thôn mới cũng được cấp ủy, chính quyền đặc biệt quan tâm, trong đó tập trung tuyên truyền và phát động toàn dân tham gia phong trào thi đua xây dựng nông thôn mới, qua đó đã giúp cho nhân dân hiểu rõ hơn về mục đích, vai trò, nội dung, tư tưởng chỉ đạo, cơ chế chính sách của Đảng, Nhà nước, của tỉnh và của huyện về xây dựng nông thôn mới. Đến nay toàn huyện đã có 2 xã đạt 8-10 tiêu chí, 5 xã đạt 5 đến 7 tiêu chí và 6 xã đạt từ 3 đến 5 tiêu chí về xây dựng nông thôn mới.

Bên cạnh đó với sự quan tâm của Đảng, nhà nước, nhiều chính sách hỗ trợ đồng bào dân tộc thiếu số, vùng sâu, vùng xa, vùng cao biên giới, nhân dân tái định cư thuỷ điện  Sơn La được thực hiện đồng bộ và lồng ghép, do vậy kết cấu hạ tầng kinh tế như đường giao thông, điện, nước sinh hoạt, thuỷ lợi,  quan tâm chỉ đạo đạt kết quả tích cực, đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân không ngừng được cải thiện.

Không chỉ đẩy mạnh thi đua lao động sản xuất, phát triển kinh tế, những năm qua đồng bào các dân tộc thiểu số huyện Mộc Châu đã và đang tích cực tham gia xây dựng đời sống văn hóa mới, bài trừ những hủ tục lạc hậu, thực hiện có hiệu quả phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”, nhiều người có uy tín trong cộng đồng đã trở thành tấm gương đoàn kết các dân tộc, gương mẫu thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, hướng dẫn nhân dân phát triển sản xuất, thoát khỏi đói nghèo, xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở. Điển hình là việc đổi thay trong tổ chức tang ma ở dòng họ Lầu bản co Cháy, xã Lóng Sập và dòng họ Thào, bản Tà Phình, xã Tân Lập.

Phong trào văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao từ trung tâm huyện đến các xã vùng sâu, vùng xa, vùng cao biên giới, từ các cơ quan, đơn vị, trường học, đến các bản, tiểu khu được đẩy mạnh. Đến nay toàn huyện có 175 nhà văn hóa; 351 đội văn nghệ thường xuyên tham gia luyện tập và giao lưu, biểu diễn, góp phần xây dựng nền văn hóa Việt Nam, tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, đồng thời xây dựng hình ảnh về một Mộc Châu năng động, giàu tiềm năng, đậm đà bản sắc dân tộc và là nơi để đồng bào các dân tộc thể hiện tinh thần đoàn kết, gắn bó keo sơn cùng chung tay xây dựng quê hương Mộc Châu anh hùng.

Để giữ sự bình yên cho quê hương, tạo điều kiện tốt nhất cho phát triển kinh tế-xã hội, nhiệm vụ quốc phòng, an ninh luôn được cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo toàn diện. Phong trào toàn dân tham gia bảo vệ tổ quốc được đẩy mạnh nhằm giáo dục truyền thống yêu nước, lòng tự hào dân tộc, phát huy vai trò đấu tranh phòng, chống các loại tệ nạn xã hội của các tầng lớp nhân dân, làm thất bại mọi âm mưu và hoạt động phá hoại của các thế lực thù địch và tội phạm, bảo vệ vững chắc an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự an toàn xã hội, xây dựng cuộc sống bình an cho nhân dân.  Công tác phòng chống và kiểm soát ma túy đã được cả hệ thống chính trị và nhân dân hưởng ứng và tham gia tích cực, đem lại hiệu quả thiết thực, làm trong sạch địa bàn, từng bước đẩy lùi tệ nạn ma túy ra khỏi đời sống xã hội

Dưới sự lãnh của Đảng, trực tiếp là đảng bộ chính quyền huyện  Mộc Châu đồng bào các dân tộc thiểu số huyện Mộc Châu đã phát huy truyền thống yêu nước, tinh thần đại đoàn kết, truyền thống lao động cần cù, sáng tạo, tích cực hưởng ứng các phong trào thi đua yêu nước, phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững quốc phòng an ninh, xây dựng quê hương Mộc Châu ngày càng giàu đẹp xứng đáng là huyện phát triển kinh tế trọng điểm của tỉnh  Sơn La và cả vùng tây bắc  

Cộng đồng các dân tộc thiểu số huyện Mộc Châu nguyện mãi mãi thực hiện lời dạy của Bác Hồ kính yêu: “Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết. Thành công, thành công, đại thành công”

THÔNG TIN CHỈ ĐẠO ĐIỀU HÀNH
Đăng nhập
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1