Trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp nông nghiệp đối với môi trường: Từ lý luận đến thực tiễn
Vấn đề trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp có xu hướng được gắn với trách nhiệm bảo vệ môi trường trong các hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Trách nhiệm bảo vệ môi trường của doanh nghiệp là yếu tố vừa ràng buộc, vừa là tự ý thức thực hiện trong quá trình tồn tại và phát triển của doanh nghiệp.
Từ lý luận
Kinh tế xã hội phát triển một mặt nào đó đang gây nên những tác động tiêu cực đến môi trường, dẫn đến vấn đề bảo vệ môi trường dần trở nên ngày càng cấp bách. Đối với doanh nghiệp, bảo vệ môi trường cũng chính là bảo vệ nền tảng của sự tồn tại và phát triển của bản thân doanh nghiệp.
Vấn đề trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp có xu hướng được gắn với trách nhiệm bảo vệ môi trường trong các hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Trách nhiệm bảo vệ môi trường của doanh nghiệp là yếu tố vừa ràng buộc, vừa là tự ý thức thực hiện trong quá trình tồn tại và phát triển của doanh nghiệp. Môi trường tồn tại với các yếu cân bằng là điều kiện để doanh nghiệp phát triển. Dưới áp lực của cạnh tranh, nhu cầu mở rộng quy mô, tăng năng suất, giảm chi phí hoạt động, doanh nghiệp đứng trước thách thức lớn trong việc thực hiện trách nhiệm xã hội của mình.
Việc thực hiện các dự án bảo vệ môi trường như trồng rừng, đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ sản xuất sạch, các giải pháp kỹ thuật nhằm xây dựng mô hình thân thiện môi trường như mô hình khu công nghệ cao, tiết kiệm nguồn nguyên liệu, nhiên liệu, sử dụng nguồn tài nguyên thiên nhiên một cách khôn ngoan để có thể đảm bảo mức tiêu thụ thấp, mức tái chế cao, quản lý hiệu quả sản phẩm phụ và chất thải từ sản xuất, đầu tư vào các sản phẩm thân thiện với môi trường, sử dụng nhãn sinh thái,… là những hoạt động bảo vệ môi trường thiết thực mà doanh nghiệp nên cân nhắc và đầu tư.
Theo yêu cầu của bộ tiêu chuẩn ISO 26000 về trách nhiệm xã hội, nội dung trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp đối với môi trường, bao gồm 4 tiêu chí: Phòng ngừa ô nhiễm; sử dụng tài nguyên bền vững; giảm nhẹ và thích nghi với biến đổi khí hậu; bảo vệ môi trường, đa dạng sinh học và khắc phục môi trường sống tự nhiên.
Đến thực tiễn
Hiện nay, trong thực tế các doanh nghiệp nông nghiệp chủ yếu đang triển khai thực hiện tốt trách nhiệm xã hội của mình đối với môi trường thông qua các hoạt động bảo vệ môi trường, hoạt động sản suất, kinh doanh sạch, không gây ô nhiễm môi trường. Trong những năm gần đây, chủ trương đẩy mạnh phát triển nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp sạch, nông nghiệp tuần hoàn đang là hướng đi mới trong phát triển ngành nông nghiệp để góp phần tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị và phát triển bền vững. Quá trình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và sản xuất hữu cơ sẽ giảm thiểu việc sử dụng thuốc BVTV góp phần bảo vệ môi trường sinh thái và thích ứng với biến đổi khí hậu, giảm bớt sự phụ thuộc vào thiên nhiên, nâng cao chất lượng nông sản, an toàn thực phẩm, thân thiện với môi trường.
Bên cạnh đó, để thực hiện tốt trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp đối với môi trường, các doanh nghiệp cần triển khai thực hiện các nhiệm vụ cụ thể như sau:
+ Chủ động xây dựng các đánh giá về khả năng tác động của dự án đối với môi trường, thể hiện rõ qua trách nhiệm lập báo cáo đánh giá tác động môi trường khi triển khai các dự án đầu tư. Đây là biện pháp chủ động nhằm phát hiện các yếu tố có khả năng gây nguy hại tới môi trường và đề xuất các giải pháp để ngăn ngừa, xử lý chất thải và khắc phục sự cố môi trường. Báo cáo đánh giá tác động môi trường phải được gửi tới cơ quan Nhà nước có thẩm quyền để đánh giá và phê duyệt trước khi triển khai dự án.
+ Xin cấp giấy phép môi trường, tức là doanh nghiệp cần phải xin phép cơ quan Nhà nước và chỉ được thực hiện khi được cơ quan Nhà nước cấp phép đối với một số lĩnh vực kinh doanh có điều kiện, có tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây ô nhiễm môi trường. Mặc dù quyền tự do kinh doanh của doanh nghiệp không bị hạn chế, nhưng việc xin cấp phép là nhằm đảm bảo yếu tố quản lý Nhà nước trong lĩnh vực bảo vệ môi trường.
+ Thực hiện trách nhiệm cung cấp thông tin của doanh nghiệp và tổ chức cá nhân liên quan đến các yếu tố môi trường. Việc cung cấp thông tin sẽ được thực hiện bằng hình thức cung cấp cho cơ quan Nhà nước có thẩm quyền khi được yêu cầu, và hình thức công khai thông tin về môi trường theo quy định trên cổng thông tin của cơ quan, tổ chức hoặc bằng hình thức khác, bảo đảm thuận tiện cho đối tượng có liên quan tiếp nhận thông tin. Bên cạnh đó, chủ dự án đầu tư, cơ sở có trách nhiệm lập và gửi báo cáo công tác bảo vệ môi trường đến các cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định của pháp luật.
+ Có giải pháp phòng ngừa sự cố, ứng phó với sự cố về môi trường. Doanh nghiệp có trách nhiệm thực hiện yêu cầu về kế hoạch, biện pháp, trang thiết bị phòng ngừa, ứng phó sự cố môi trường theo quy định của pháp luật; Thực hiện chế độ kiểm tra thường xuyên, áp dụng phương án, biện pháp quản lý, kỹ thuật nhằm loại trừ, giảm thiểu nguy cơ xảy ra sự cố môi trường. Doanh nghiệp gây ra sự cố môi trường có trách nhiệm ứng phó sự cố môi trường, chi trả chi phí ứng phó sự cố môi trường; Và phải thực hiện phục hồi môi trường sau sự cố môi trường trong phạm vi cơ sở của mình.
+ Thực hiện trách nhiệm bồi thường thiệt hại. Doanh nghiệp gây thiệt hại về môi trường phải bồi thường toàn bộ thiệt hại do mình gây ra, đồng thời phải chi trả toàn bộ chi phí xác định thiệt hại và thực hiện thủ tục yêu cầu bồi thường thiệt hại theo quy định.
+ Thực hiện trách nhiệm về nộp phí bảo vệ môi trường, kỹ quỹ bảo vệ môi trường, chi trả dịch vụ hệ sinh thái tự nhiên, tuân thủ quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường…
Hiện nay, trong sản xuất kinh doanh, các doanh nghiệp cũng cần phải lưu ý là kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn đã trở thành một xu thế không thể đảo ngược, trở thành một tất yếu mà tất cả chúng ta sẽ phải theo. Doanh nghiệp nào không chuẩn bị đón nhận và không sẵn sàng đón nhận thì sẽ bị đào thải. Do vậy, việc triển khai thực hiện trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp đối với môi trường cần được triển khai quyết liệt, đầy đủ, trọng tâm để đảm bảo cho một môi trường xanh, sạch, đẹp và bền vững trong tương lai.
Lê Kim Oanh, Phòng Nông nghiệp và PTNT
* Bài viết được thực hiện dưới sự tài trợ của Viện Nghiên cứu Châu Âu và Quỹ Friedrich Naumann Stiftung für Die Freiheit (FNF), CHLB Đức.