Top slide banner
Ông Mão làm giàu từ Mô hình VAC

 

 

 

 

 

Vẫn con người cũ, vẫn phát triển kinh tế theo mô hình VAC truyền thống, nhưng lại mạnh dạn, sáng tạo trong cách lựa chọn giống cây con phù hợp; phát huy được hiệu quả của đất đai, khí hậu, thổ nhưỡng, nguồn nước cũng như khoa học kỹ thuật, gia đình nông dân Nguyễn Văn Mão, tiểu khu 1, xã Chiềng Sơn, huyện Mộc Châu đã trở thành một điển hình trong phát triển kinh tế nông nghiệp ở địa phương.

{youtube}7bIMdHdXUvE{/youtube}

Năm 1993, gia đình ông Nguyễn Văn Mão chuyển từ Vĩnh Phúc lên Mộc Châu lập nghiệp, tài sản ban đầu chỉ có một ngôi nhà tạm và 2 ha đất vườn đồi. Bắt tay vào làm kinh tế như bao gia đình thuần nông khác của xã Chiềng Sơn với việc trồng mận, trồng ngô, chăn nuôi lợn, gà... Sau đó là chuyển sang trồng cây hồng đỏ, nhưng hiệu quả kinh tế không cao, thu nhập ban đầu cũng chỉ đủ ăn. Đến năm 2006 khi cây Hồng Giòn được đánh giá là phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng của vùng, ông đã quyết định tiến hành ghép giống hồng giòn của nhật sang 200 gốc đỏ của gia đình để nâng cao giá trị kinh tế. Sau hơn 3 năm, cây hồng giòn đã mang lại nguồn thu ổn định, giúp cải thiện đời sống và có vốn để phát triển kinh tế.

 Từ nguồn vốn tích lũy được, cùng với những định hướng của huyện trong việc chuyển đổi cây trồng trên đất dốc, đầu năm 2016 ông lại tiếp tục chuyển đổi hơn 1ha diện tích mận hậu già cỗi, kém hiệu quả sang trồng cây chanh leo với sự hỗ trợ của Công ty Cổ phần Nafoods Tây Bắc. Đến nay, trung bình cứ 4 ngày gia đình ông thu hoạch quả một lần, mỗi lần khoảng 3 tạ quả. Ước tính sản lượng chanh leo năm 2017 của gia đình ông đạt trên 10 tấn, với giá bán bình quân từ 10.000 - 14.000 đồng/kg, Chanh Leo mang lại nguồn thu trên 100 triệu đồng mỗi năm cho gia đình ông. Đây cũng đang là mô hình kinh tế được xã Chiềng Sơn lựa chọn để giới thiệu, nhân rộng trong hội viên nông dân ở địa phương.

Không dừng lại ở việc trông cây ăn quả, gia đình ông còn quyết định đầu tư xây dựng khu chuồng trại rộng trên 200m2 để chăn nuôi gia cầm. Việc làm này vừa có thể tận dụng nguồn phân hữu cơ từ gia cầm để bón cho cây ăn quả. Hiện nay, gia đình ông đang duy trì thường xuyên hơn 300 con vịt siêu trứng, bình quân mỗi ngày cho thu 250 quả trứng, với giá bán dao động từ 2.300 đến 2.500 đồng/quả, trừ hết chi phí đem lại lợi nhuận 500 nghìn đồng/ngày, tương đương với 15 triệu một tháng. Nắm rõ thời gian sinh trưởng và cho trứng của giống vịt này là từ sau khi bắt đầu đẻ trứng chúng sẽ đẻ liên tục trong vòng hai năm và giảm dần, do đó để duy trì năng suất, chất lượng trứng, ngoài việc chăm sóc theo đúng quy trình kỹ thuật, ông còn chủ động nuôi gối đàn để cứ hai năm có thể thay lứa vịt một lần, do đó số đầu vịt và sản lượng trứng được duy trì liên tục, tạo nguồn cung ổn định, thường xuyên cho thị trường.

Ngoài việc trồng hồng giòn, chanh leo và chăn nuôi vịt siêu trứng, gia đình ông Mão còn tận dụng lợi thế về nguồn nước để mở rộng diện tích mặt ao lên 2500m2, hiện có nhiều loại cá giá trị kinh tế cao được nuôi thả như: Trắm, Chép, Rôphi đơn tính,... Trung bình mỗi năm gia đình ông thu hoạch khoảng 2 tấn cá, trừ tất cả chi phí mang lại nguồn thu trên 150 triệu đồng.

Hiệu quả bước đầu từ mô hình VAC đa dạng, sáng tạo và phù hợp này đã mang lại nguồn thu 500 triệu đồng mỗi năm cho gia đình ông Mão. Mô hình này cũng đang tích cực góp phần chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi ở địa phương và trở thành mô hình VAC tiêu biểu, đem lại hiệu quả kinh tế cao ở xã biên giới Chiềng Sơn.

 

 

 

 

 

THÔNG TIN CHỈ ĐẠO ĐIỀU HÀNH
Đăng nhập
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1