Top slide banner
Thảo nguyên Mộc Châu - Hòn ngọc miền Tây Bắc

 

 

 

Thị trấn Nông trường Mộc Châu vùng đất giàu truyền thống lịch sử và văn hóa-một thảo nguyên xanh của vùng núi Tây Bắc, là trung tâm kinh tế động lực của huyện Mộc Châu và tỉnh Sơn La. Trải qua 60 năm thành lập kể từ ngày 8-4-1958 Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân thị trấn Nông trường Mộc Châu luôn chung sức, đồng lòng vượt qua mọi khó khăn thách thức, dành được những thành tích toàn diện trên mọi lĩnh vực, góp phần  xây dựng quê hương Mộc Châu ngày một đổi thay giàu đẹp.

 

Thị trấn Nông trường Mộc Châu vùng đất giàu truyền thống lịch sử và văn hóa-một thảo nguyên xanh của vùng núi Tây Bắc, là trung tâm kinh tế động lực của huyện Mộc Châu và tỉnh Sơn La. Trải qua 60 năm thành lập kể từ ngày 8-4-1958 Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân thị trấn Nông trường Mộc Châu luôn chung sức, đồng lòng vượt qua mọi khó khăn thách thức, dành được những thành tích toàn diện trên mọi lĩnh vực, góp phần  xây dựng quê hương Mộc Châu ngày một đổi thay giàu đẹp.

{youtube}bJfQj4z39w8{/youtube}

          Thị trấn Nông trường Mộc Châu nằm ở phía đông của huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La, cách trung tâm huyện 10 km, có tổng diện tích tự nhiên trên 10.800 ha, dân số trên 28 nghìn người, gồm 5 dân tộc là Thái, Mường, Mông, Dao, Kinh, sinh sống tại 39 tiểu khu. Nằm trọn trên cao nguyên có độ cao trung bình: 1.050m so với mực nước biển, thị trấn Nông trường Mộc Châu địa hình khá bằng phẳng, khí hậu mát mẻ đây là địa điểm lý tưởng phát triển nông nghiệp, du lịch, dịch vụ.

          Trải qua 60 năm thành lập và phát triển thị trấn Nông trường còn được biết tới là nơi ghi dấu nhiều chiến công oanh liệt trong 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ cứu nước của dân tộc. Những tên đất, tên người đã ghi đậm dấu son lịch sử về những năm tháng hào hùng, rất đáng tự hào.

          Cách đây 60 năm những chiến sỹ trẻ Nguyễn Xuân Bình, Đặng Đức Vinh, Lê Hữu Sót, Đoàn Văn Nhị … là một trong số 1.683  chiến sỹ Trung đoàn 280 thuộc sư đoàn 335 được Bộ Quốc phòng điều động từ Trung Lào tiến về cao nguyên Mộc Châu để thực hiện nhiệm vụ chính trị mới là: “Vừa trấn giữ biên cương Tây Bắc vừa xây dựng cao nguyên Mộc Châu thành vùng kinh tế giàu mạnh”. Giờ đây các ông đã bước qua ngưỡng tuổi “xưa nay hiếm” nhưng vẫn còn nhớ như in ngày ông cùng đồng đội đặt nhát cuốc đầu tiên biến rừng hoang, núi thẳm thành nông trường. Ngày đó - 8-4-1958 - mở màn chiến dịch phát cỏ khai hoang Cao nguyên Mộc Châu được ghi nhận là ngày thành lập Nông Trường Quân đội sau đổi thành Nông Trường Quốc doanh Mộc Châu, tiền thân của thị trấn Nông Trường  Mộc Châu ngày nay.

Sau một năm thành lập, giữa thời điểm gian khó nhất của các chiến sĩ ngày 8/5/1959, Bác Hồ đã đến thăm và nói chuyện với các bộ, chiến Nông Trường Quân đội, động viên cán bộ chiến sĩ, vượt qua mọi khó khăn, thử thách. Bác đã ghi tặng Nông Trường 16 chữ vàng: “Luôn luôn cố gắng, khắc phục khó khăn, tiến lên thật hăng, làm tròn nhiệm vụ”.

Vâng lời dạy của Người, Đảng uỷ, Trung đoàn 280 đã vận động chiến sĩ xây dựng Nông Trường đưa vợ con cùng lên cùng gánh vác xây dựng quê hương mới. Khẩu hiệu “Nông Trường là nhà, Tây Bắc là quê hương” được đông đảo chiến sĩ hưởng ứng. Từ đây Nông Trường Quốc doanh Mộc Châu đã huy động được hàng ngàn thanh niên xung phong các tỉnh miền xuôi như Thái Bình, Nam Hà, Nghệ an, Thanh hoá, Vĩnh Phú nô nức lên Mộc Châu xây dựng kinh tế mới.  Bên cạnh đó để xây dựng gia cấp công nhân ngày càng lớn mạnh, tăng thêm nguồn lực xây dựng Nông Trường, thực hiện nghị quyết Đại hội lần thứ 3 của Đảng, Nhà nước ta chủ trương chuyển đổi Nông trường Quân đội thành Nông Trường Quốc doanh. Ngày 01/01/1961, hơn 1.700 cán bộ, chiến sĩ của Nông trường Quân đội Mộc Châu làm Lễ hạ sao, rời khỏi đội ngũ quân đội trở thành giai cấp công nhân. Thực hiện việc chuyển đổi này đến cuối năm 1961 Nông Trường đã có trên 2.000 công nhân lao động, với 14 đội sản xuất thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau. Đây là thời kỳ cán bộ công nhân viên nông trường có rất nhiều trăn trở tìm tòi sáng tạo để xác định phương hướng sản xuất, khai thác tiềm năng thế mạnh làm giàu trên cao nguyên là trồng chè, nuôi cừu, nuôi bò sữa, trồng cây lương thực. Tới năm 1965 năm đầu tiên Nông trường kinh doanh có lãi, là bước khởi đầu cho chặng đường phát triển sau này, đưa Mộc Châu trở thành một vùng cao nguyên kinh tế nông nghiệp trù phù bậc nhất của Tây Bắc.

Miền bắc hoà bình chưa được bao lâu thì Đế Quốc Mỹ điên cuồng quay trở lại bắn phá. Nông Trường Quốc doanh Mộc Châu lại phải đương đầu với khó khăn mới. Các chiến sĩ trên mặt trận kinh tế giờ lại thêm nhiệm vụ chiến đấu chống chiến tranh phá hoại của giặc Mỹ. Ngày 14/6/1965 quả bom mỹ đầu tiên đã rơi xuống mảnh đất Thảo nguyên vừa được khởi sắc, mở màn cho việc tấn công phá hoại ác liệt kéo dài 8 năm liền của Đế Quốc Mỹ. Chỉ tính trong 4 năm (từ 1965 đến 1968)  Mộc Châu phải hứng chịu trên 3.000 quả bom các loại, trong đó có gần 1.000 quả bom bi và hàng chục tên lửa, rốc két làm phá huỷ tòan bộ kho tàng, chuồng trại, trường học ngay cả những đồng cỏ, đồi chè cũng bị bom Mỹ cày phá và để lại hậu quả kéo dài hàng chục năm. Hàng chục cán bộ công nhân của Nông Trường Quốc doanh  Mộc Châu và trẻ em vô tội đã bị cướp đi mạng sống. Nỗi đau này ngày nay vẫn khắc sâu trong tâm trí của hàng vạn đồng bào các dân tộc Thị trấn Nông Trường Mộc Châu

Chiến tranh ác liệt không làm mất đi tinh thần hăng say lao động sản xuất của các tầng lớp công nhân Nông Trường Mộc Châu mà trái lại nó càng hun đúc tô đậm thêm tinh thần yêu nước, xả thân vì sự nghiệp cách mạng của đội ngũ công nhân. Với phương châm địch đến là đánh, địch đi là sản xuất, đội tự vệ Nông Trường đã phối hợp cùng các lực lượng vũ trang trên địa bàn đánh hàng trăm trận, bắn rơi 3 máy mỹ và bị thương hàng chục chiếc. Cũng từ trong khói lửa chiến tranh nhiều tấm gương sáng điển hình trong lao động sản xuất nở rộ. Năng xuất lao động của đội ngũ công nhân được tăng cao đạt mức kỷ lục: kiện tướng hái chè Nguyễn Thị Chi đưa năng xuất hái chè đạt trên 1.000 kg một ngày công, vượt định mức được giao tới gần 30 lần; Kiện tướng cầu đường Nguyễn Văn Diệu đã đào đất đạt 25m3 một ngày, vượt 5 lần định mức. Với những cố gắng vượt bậc đó sản lượng chè búp tươi được nâng cao từng năm từ 620 tấn năm 1965 lên 4.000 tấn năm 1970; sản lượng sữa tươi cũng tăng từ 24 tấn lên 294 tấn.

Đất nước hoà bình độc lập, nam bắc được chung một nhà từ đây Nông Trường dồn lực cho sản xuất theo hướng tập trung chuyên canh và mở rộng vùng sản xuất. Để thực hiện chủ trương này năm 1983 Nông Trường  Mộc Châu được tổ chức lại thành Xí nghiệp Liên hiệp  Mộc Châu bao gồm 7 nông trường, xí nghiệp và 1 cơ quan xí nghiệp liên hiệp. Vùng lãnh thổ lúc này được mở rộng thêm xã Chờ Lồng, bản chiềng Đi và Bó Bun xã Phiêng Luông, tiểu khu Sao Đỏ - Vân Hồ, diện tích sản xuất đã mở rộng lên trên 14.000 ha, đội ngũ công nhân viên chức lên tới 6.000 người

Bước vào những năm cuối của thập kỷ 80 và năm đầu của thập kỷ 90, khi Liên Xô và hệ thống XHCN đông âu sụp đổ, đất nước ta gặp muôn vàn khó khăn. Cơ chế quản lý tập trung bao cấp trong chiến tranh không còn phù hợp trong tình hình mới và Xí nghiệp Liên hiệp Mộc Châu lúc này cũng không nằm ngoại lệ.

Giữa lúc khó khăn, bế tắc đó Đảng ta chủ trương thực hiện công cuộc đổi mới đất nước, tạo ra luồng sinh khí đưa đất nước ta vượt qua khủng hoảng, trì trệ kéo dài. Năm 1988, Xí nghiệp liên hiệp giải thể, thành lập các nông trường, xí nghiệp chuyên ngành khác nhau và thực hiện chuyển đổi cơ chế quản lý từ hạch toán kinh doanh bao cấp sang hoạt động hạch toán độc lập

Trong suốt 60 năm kể từ ngày thành lập đến nay Đảng bộ chính quyền và nhân dân các dân tộc thị trấn Nông Trường Mộc Châu dưới sự lãnh đạo của huyện uỷ, HĐND, UBND huyện Mộc Châu đã phát huy điều kiện tự nhiên, đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội trở thành trung tâm phát triển kinh tế của huyện Mộc Châu và tỉnh  Sơn La, với vùng nguyên liệu tập trung gắn với cơ sở chế biến và tiêu thụ sản phẩm.

 Thành tựu nổi bật nhất là trên lĩnh vực nông nghiệp, từ địa phương sản xuất lạc hậu, manh mún nhỏ lẻ, thị trấn Nông Trường trở thành vùng chuyên canh sản xuất hàng hóa lớn. Đặc biệt, sau gần 6 thập niên xây dựng và phát triển Cây chè tiếp tục khẳng định vị trí mũi nhọn ngày càng nâng cao uy tín trên thị trường. Từ duy nhất một nông trường quốc đến nay trên địa bàn thị trấn có 04 doanh nghiệp, hợp tác xã sản xuất chế biến chè với tổng diện tích gần 1000ha, sản lượng chè búp tươi hàng năm trên 17.000 tấn. Các sản phẩm từ cây chè trên cao nguyên Mộc Châu không những có mặt trên thị trường trong nước mà còn vươn xa đến nhiều nước.

Để phát huy, tiềm năng và thế mạnh đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế, những năm gần đây các công ty, doanh nghiệp, hợp tác xã sản xuất, kinh doanh chè trên cao nguyên Mộc Châu đã ứng dụng công nghệ tiên tiến, hiện đại từ khâu trồng, chăm sóc, chế biến theo tiêu chuẩn VietGAP, đảm bảo nguyên liệu sản xuất đạt tiêu chuẩn an toàn thực phẩm, đồng thời xây dựng chỉ dẫn địa lý “Mộc Châu” cho sản phẩm chè Shan Tuyết và nhãn hiệu chè Ô long của huyện Mộc Châu, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng trong nước vào xuất khẩu sang các nước.

Chương trình chăn nuôi tiếp tục được quan tâm đầu tư, phát triển khá toàn diện. Với bề dày kinh nghiệm được tích luỹ từ nhiều năm cùng với chính sách khuyến khích phát triển đầu tư của tỉnh và chương trình phát triển bò sữa quốc gia giúp cho Công ty cổ phần giống bò sữa  Mộc Châu trở thành một trong những doanh nghiệp nhà nước làm ăn có hiệu quả nhất của Sơn La và là trung tâm bò sữa lớn nhất miền Bắc. Từ 157 con bò sữa được nuôi thử nghiệm những ngày đầu thành lập đến nay công ty đã có đàn bò sữa trên 20.000 con, hơn 600 hộ chăn nuôi, doanh thu đạt 2.518 tỷ đồng, thu nhập bình quân 8,5 triệu đồng/người/tháng. Đồng thời Công ty đã đầu tư xây dựng nhà máy chế biến sữa và chế biến thức an hiện đại, do đó, các sản phẩm từ sữa ngày càng đa dạng phong phú, đạt tiêu chuẩn quốc tế, có hệ thống bán sản phẩm ở gần 40 tỉnh, thành trong cả nước. Những bước đi mạnh mẽ và vững chắc của Công ty Cổ phần giống bò sữa Mộc Châu không chỉ giúp công ty phát triển và khẳng định vị trí vững chắc trên thị trường mà còn giúp hàng trăm hộ gia đình trên cao nguyên Mộc Châu có cuộc sống ấm no, nhiều hộ gia đình trong số đó đã vươn lên thành tỷ phú.

Giờ đây bên cạnh cây con truyền thống đã có hàng trăm mô hình sản xuất đem lại nguồn thu hàng trăm thậm chí hàng tỷ đồng mỗi năm, thu nhập bình quân trên 1ha đất nông nghiệp của thị trấn đạt trên …. triệu đồng/ha. Với khí hậu mát mẻ, thị trấn Nông Trường rát phù hợp với các cây ăn quả  ôn đới, á nhiệt đới như hòng giòn, đào pháp, mận, cam tiếp tục khẳng định là nhóm cây quan trọng trong công tác xóa đói giảm nghèo với sản lượng hàng năm đạt hàng nghìn tấn, đem lại nguồn thu hàng tỷ đồng cho nhân dân mỗi năm. Đặc biệt từ năm 2014 trở lại đây, cây canh leo đã đưa vào trồng tại thị trấn Nông Trường mang lại thu nhập lên đén 400 triệu/ha. Những vườn chanh leo sai trĩu qủa được sản xuất theo tiêu chuẩn khắt khe nhất để xuất khẩu sang Pháp và các nước EU.

Sự  phát triển của nông nghiệp cũng đồng thời mang đến cho thị trấn nông trường những tiềm năng để phát triển du lịch. Du lịch nông nghiệp chính là loại hình du lịch mới, độc đáo ở thảo nguyên Mộc Châu tươi đẹp này. Những đồi chè xanh mướt trải dài từ ngọn đồi này tới ngọn đồi khác; những luống chè nối đuôi nhau ôm trọn lấy các quả đồi là thành quả bao ngày lao động của người trồng chè. Tình yêu, sự say mê lao động của những người làm chè trên cao nguyên Mộc Châu đã gây dựng thêm vẻ đẹp thơ mộng, hùng vĩ của cao nguyên Mộc Châu, chè trở thành sản phẩm du lịch hấp dẫn đối với du khách trong và ngoài nước.

          Hằng năm, huyện Mộc Châu đã tổ chức thành công Hội thi Hoa hậu bò sữa, Hội Trà cao nguyên, Ngày hội hái quả để giới thiệu, quảng bá, khẳng định sản phẩm nông nghiệp sạch của nông dân Mộc Châu, tạo cơ hội để những người nông dân được giao lưu, học hỏi, nâng cao kiến thức, kinh nghiệm trồng, chăm sóc cây; tăng cường hợp tác giữa người sản xuất với các doanh nghiệp, góp phần giải quyết đầu ra cho vùng nguyên liệu rộng lớn, thu hút sự khám phá, thưởng ngoạn của du kháchkhi đến thị trấn Nông Trường  Mộc Châu nói riêng huyện Mộc Châu nói chung.

Lĩnh vực công nghiệp, xây dựng, tiểu thủ công nghiệp ngày càng khởi sắc. Đến nay trên địa bàn thị trấn Nông Trường có hàng chục doanh nghiệp, cơ sở sản xuất quy mô vừa và nhỏ, giải quyết việc làm và thu nhập ổn định cho hàng nghìn lao động. Đặc biệt từ năm 2013 huyện Mộc Châu đã triển khai Dự án Cụm công nghiệp Mộc Châu tại tiểu khu Bó Bun thị trấn Nông Trường rộng 57,42ha. Dự án nằm trong quy hoạch phát triển công nghiệp trên địa bàn tỉnh Sơn La đến năm 2020. Việc đầu tư xây dựng dự án đã tạo điều kiện thuận lợi thu hút doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh đầu tư vào địa bàn, đến nay đã thu hút 3 dự án gồm: Nhà máy san triết ga, Nhà máy chế biến chanh leo và hàng nông sản sau thu hoạch, Nhà máy chế biến ván tre công nghiệp.

Trong lĩnh vực công nghiệp, xây dựng của thị trấn nổi bật nhất là Công ty cổ phần đầu tư xây dựng Mộc Châu. Đây là doanh nghiệm có tiền thân  trên cơ sở sáp nhập 4 đơn vị: xí nghiệp xây dựng, xí nghiệp vật liệu, xí nghiệp cơ khí điện, Ban quản lý thuỷ điện Mộc Châu. Với truyền thống trên 30 năm hoạt động của mình, bằng những chương trình hành động cụ thể công ty đã khôi phục và phát triển sản xuất thời gian qua đang tạo ra nguồn động lực mới.  Năm 2017, tổng giá trị sản xuất kinh doanh của công ty ước đạt: 74 tỷ đồng, nộp ngân sách nhà nước với số tiền 3,9 tỷ. Đặc biệt khi Thủ tướng Chính phủ phê duyêt Quy hoạch là Khu du lịch Quốc gia Mộc Châu, Công ty mạnh dạn đầu tư  khách sạn thảo nguyên và Thảo nguyên Resort tổng mức đầu tư trên 100 tỷ đồng, Dự án đưa vào hoạt động đã tạo việc làm cho 100 lao động tại địa phương góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, để Công ty phát triển bền vững và ngày càng lớn mạnh.

Trên mặt trận văn hoá, xã hội cũng đạt nhiều thành tích, đến nay 100% số dân thị trấn Nông Trường được hưởng điện lưới quốc gia và xem truyền hình, trên 98% số hộ được sử dụng nước sạch sinh hoạt hợp vệ sinh. Công tác chăm sóc sức khoẻ nhân dân và công nhân viên chức, người lao động được đặc biệt quan tâm. Bệnh viên Đa khoa Thảo Nguyên tiền thân là bệnh xá quân đội Trung đoàn 280, có 16 khoa, quy mô 190 giường bệnh với hơn 130 biên chế cán bộ y, bác sĩ, là bệnh viện đa khoa hạng 2 cấp huyện. Bệnh viện được trang bị nhiều trang thiết bị hiện đại, góp phần phát hiện, chuẩn đoán và điều trị hiệu quả nhiều ca bệnh nặng...chất lượng khám điều trị được nâng cao, đặc biệt là đối với những đối tượng chính sách và người dân nghèo được tiếp cận và sử dụng các dịch vụ ytế cao cấp ngày càng nhiều.

Hệ thống trường học cũng không ngừng được mở rộng và nâng cấp, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của nhân dân trên địa bàn và một phần các xã lân cận. Hiện tại trên địa bàn thị trấn Nông Trường có 17 trường học từ bậc mầm non đến THPT, trong đó bậc học mầm non có 7 trường, Tiểu học và THCS có 4 trường, 1 trường PTTH , hàng năm thu hút hơn 7.000 học sinh theo học, toàn bộ các trường đều đạt chuẩn và trên và giữ vững kết quả phổ cập giáo dục THCS và phổ cập tiểu học đúng độ tuổi, phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi.

Thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thi văn minh”, hàng năm thị trấn Nông Trường có 80% gia đình được công nhận gia đình văn hóa. Các hoạt động văn hoá, văn nghệ, thể dục thể thao như Hội diễn văn nghệ quần chúng, giải bóng chuyền, bóng đá, thể dục dưỡng sinh được tổ chức thường xuyên thu hút đông đảo các tầng lớp nhân dân tham gia, góp phần nâng cao đời sống tinh thần, thắt chặt tình đoàn kết, tạo động lực cho phát triển kinh tế xã hội tại địa phương. Bên cạnh đó, thị trấn Nông Trường còn tích cực tham gia các hoạt động văn hóa, thể thao các hoạt động văn hoá do huyện Mộc Châu tổ chức hàng năm như: Ngày hội Văn hóa các dân tộc Mộc Châu, Hội trà cao nguyên, Ngày hội hái quả...

Công tác an sinh xã hội được quan tâm chú trọng và có chuyển biến tích cực, đặc biệt là việc chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho các thương bệnh binh, gia đình liệt sỹ và người có công với cách mạng. Hiện nay trên địa bàn thị trấn 100% hộ thương binh, gia đình liệt sỹ có mức sống bằng hoặc cao hơn mức trung bình của nhân dân cùng địa bàn cư trú. Công tác xóa đói giảm nghèo có sự vào cuộc của các cấp các ngành và được triển khai lồng ghép từ nhiều chương trình dự án. Đặc biệt MTTQ và các tổ chức thành viên bằng sự linh động trong công tác tuyên truyền vận động đã huy động được tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái chung tay chia sẻ để xây dựng nhà đại đoàn kết giúp cho những số phận thiếu may mắn, yếu thế, hộp có hoàn cảnh đặc biệt vươn lên trong cuộc sống. Đến nay thị trấn Nông trường Mộc Châu đã cơ bản xóa được nhà dột nát, tỷ lệ hộ nghèo giảm đáng kể. Số hộ nghèo năm 2017 giảm còn 1,1%; hộ cận nghèo còn 0,7%.

Nhiệm vụ an ninh quốc phòng được quan tâm, hàng năm thị trấn thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị, quân sự địa phương, xây dựng thị trấn thành khu vực phòng thủ vững chắc, tăng cường thế trận quốc phòng toàn dân và thế trận an ninh nhân dân. Công tác giáo dục quốc phòng, huấn luyện quân sự, diễn tập phòng thủ được thực hiện thường xuyên, đảm bảo đầy đủ lực lượng có thể hoàn thành tốt nhiệm vụ trong bất kể tình huống nào. Công tác đấu tranh phòng chống các loại tội phạm đạt kết quả cao, nhất là tội phạm về ma tuý góp phần tích cực giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.

Công tác xây dựng Đảng, củng cố hệ thống chính trị được thực hiện tốt. Vai trò của Mặt trận tổ quốc và các ban nghành đoàn thể được nâng cao. Hoạt động chỉ đạo điều hành của UBND chuyển biến tích cực, phát huy dân chủ, tăng cường pháp chế, giữ vững trật tự, kỷ cương, đoàn kết đẩy lùi các biểu hiện tiêu cực tham nhũng, lãng phí. Công tác xây dựng Đảng được coi trọng, tập trung thực hiện tốt trên cả 3 mặt Chính trị, tư tưởng và tổ chức. Đến nay đảng bộ thị trấn Nông Trường  Mộc Châu có 1.434 đảng viên, sinh hoạt tại 58 chi bộ. Việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh gắn với thực hiện nghị quyết TW 4 khóa XII về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hoá" trong nội bộ, được cán bộ đảng viên và quần chúng nhân dân trong toàn đảng bộ đón nhận với tinh thần phấn khởi tin tưởng, tạo sự chuyển biến tích cực trong nhận thức và hành động của cán bộ, đảng  viên và nhân dân. Liên tục trong nhiều năm liền đảng bộ thị trấn Nông Trường  Mộc Châu được công nhận là đảng bộ trong sạch vững mạnh.

Với những thành tựu vượt bậc trong phát triển kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng, thị trấn Nông Trường Mộc Châu và các doanh nghiệp trên địa bàn được Đảng, nhà nước đã trao tặng nhiều phần thưởng cao quý: 2 Huân chương chiến công hạng nhất, 2 huân chương lao động hạng nhất, hàng chục cúp vàng và huy chương vàng cho thưong hiệu, nhãn hiệu các sản phẩm; danh hiệu anh hùng lao động thời kỳ đổi mới và nhiều huân huy chương, bằng khen giấy khen của các cấp.

Kế thừa truyền thống, đoàn kết sáng tạo vượt khó trong 60 năm chiến đấu, xây dựng và trưởng thành, cán bộ đảng viên và nhân dân các dân tộc thị trấn Nông Trường Mộc Châu hôm nay tự hào với những thành tựu của các thế hệ cha anh đã gây dựng và đạt được. Phát huy truyền thống vẻ vang đó, trong thời gian tới, đảng bộ, chính quyền, chiến sĩ, các lực lượng vũ trang và nhân dân các dân tộc thị trấn Nông trường Mộc Châu chủ động, sáng tạo khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế, huy động mọi nguồn lực để xây dựng thị trấn Nông Trường ngày càng giàu mạnh xứng đáng là “hòn ngọc” nơi miền tây Tổ quốc.

 

 

 

THÔNG TIN CHỈ ĐẠO ĐIỀU HÀNH
Đăng nhập
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1