Top slide banner
Đề cương tuyên truyền kỷ niệm 70 năm ngày Thương binh - Liệt sĩ (27/7/1947 - 27/7/2017)

ĐỀ CƯƠNG TUYÊN TRUYỀN

KỶ NIỆM 70 NĂM NGÀY THƯƠNG BINH - LIỆT SĨ

(27/7/1947 - 27/7/2017)

 

          1 - Sự ra đời của ngày Thương binh - Liệt sĩ

          Cách mạng Tháng Tám vừa thành công, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời chưa được bao lâu thì thực dân Pháp trở lại xâm lược nước ta lần thứ hai. Kiên quyết bảo vệ thành quả cách mạng, quân và dân ta đã chiến đấu anh dũng để bảo vệ Tổ quốc. Trong những tháng năm đầu của cuộc kháng chiến quyết liệt, nhiều đồng bào, chiến sĩ đã hy sinh, đổ máu trên các chiến trường. Được sự lãnh đạo của Đảng, Chính phủ và Bác Hồ, kế thừa truyền thống “nhân ái, thủy chung” của dân tộc, nhân dân ta đã dành tình thương yêu chăm sóc các gia đình liệt sĩ, anh chị em thương binh, bệnh binh một cách tận tình, chu đáo. Đầu năm 1946, “Hội giúp binh sĩ bị nạn” ra đời ở Thuận Hóa (Huế), rồi đến Hà Nội và một số địa phương khác... Sau đó ít lâu được đổi thành “Hội giúp binh sĩ bị thương”; Ở Trung ương, Chủ tịch Hồ Chí Minh được bầu là Chủ tịch danh dự của Tổng Hội với nhiều hoạt động thiết thực và ý nghĩa.

          Cuộc kháng chiến toàn quốc bùng nổ, ngày 19/12/1946, theo lời kêu gọi cứu nước của Bác Hồ, nhân dân cả nước nhất tề đứng dậy kháng chiến với tinh thần “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”, số người bị thương và hy sinh trong chiến đấu tăng lên, thương binh, liệt sĩ trở thành vấn đề lớn của toàn xã hội.

          Ngày 27/7/1947, trong một cuộc họp tại xóm Bàn Cờ, xã Hùng Sơn, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên, theo đề nghị của đại diện Chính trị Cục, Quân đội nhân dân Quốc gia Việt Nam, các đại biểu đã nhất trí chọn ngày 27/7 hằng năm làm “Ngày Thương binh toàn quốc”. Đến tháng 7/1955, “Ngày Thương binh toàn quốc” được đổi thành “Ngày Thương binh, Liệt sĩ” để ghi nhận những hy sinh lớn lao của đồng bào, chiến sĩ cả nước cho chiến thắng vẻ vang của toàn dân tộc.

          2- Sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước ta đối với công tác thương binh, liệt sĩ và người có công

          70 năm qua, hàng trăm văn bản, chỉ thị, nghị quyết của Đảng, sắc lệnh, pháp lệnh, thông tư hướng dẫn của Nhà nước về công tác thương binh, liệt sĩ, người có công với nước đã được ban hành là minh chứng cho sự quan tâm đặc biệt của Đảng và Nhà nước ta. Quan điểm, chủ trương của Đảng và chính sách của Nhà nước đối với công tác thương binh, liệt sĩ và người có công với cách mạng thể hiện tính ưu việt và bản chất tốt đẹp của Nhà nước ta, củng cố niềm tin của nhân dân ta vào sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước, góp phần tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc, làm cơ sở vững chắc ổn định chính trị - xã hội, bảo đảm định hướng xã hội chủ nghĩa. Đặc biệt việc ban hành và thực hiện Pháp lệnh “Ưu đãi người hoạt động cách mạng, liệt sĩ và gia đình liệt sĩ, thương binh, bệnh binh, người hoạt động kháng chiến, người có công giúp đỡ cách mạng” và Pháp lệnh “Quy định danh hiệu vinh dự Nhà nước Bà mẹ Việt Nam anh hùng” đã góp phần to lớn vào phong trào toàn dân chăm sóc người có công với cách mạng.

          3 - Huyện Mộc Châu với công tác thương binh, liệt sĩ và người có công

          Phát huy truyền thống "Uống nước nhớ nguồn, đền ơn đáp nghĩa", quan tâm chăm sóc gia đình Thương binh, Liệt sĩ và người có công vừa là tình cảm, vừa là trách nhiệm được duy trì và phát triển rộng khắp, thu hút sự tham gia đóng góp của các cấp, các ngành, các đoàn thể và các tổ chức xã hội.

          Trong năm 20126, huyện Mộc Châu đã chi trả trợ cấp ưu đãi người có công cho 7.025 lượt đối tượng với số tiền 10.392 triệu đồng, trong đó: ưu đãi hàng tháng cho 4.728 lượt người với số tiền 8.027 triệu đồng; trợ cấp 1 lần mai táng phí cho người có công thờ cúng liệt sĩ cho 296 đối tượng với số tiền 749,6 triệu đồng; trợ cấp 1 lần thanh niên xung phong cho 12 đối tượng với số tiền 38,9 triệu đồng; thăm viếng mộ liệt sĩ cho 05 đối tượng với số tiền là 4,8 triệu đồng; quà tặng thăm hỏi nhân kỷ niệm 69 năm Ngày Thương binh – Liệt sĩ; 27/7 cho 550 đối tượng với số tiền 197,2 triệu đồng; quà thăm hỏi nhân Kỷ niệm 55 Ngày thảm họa da cam cho 80 đối tượng với số tiền là 24 triệu đồng. Huyện Mộc Châu đã tiếp nhận và an táng 02 hài cốt liệt sĩ tại nghĩa trang liệt sĩ huyện; vận động thu nộp quỹ "Đền ơn đáp nghĩa" với số tiền là 175.693.000 đồng.

          Những việc làm nghĩa tình thiết thực đó thể hiện đậm nét đạo lý của dân tộc ta "Uống nước nhớ nguồn", "Đền ơn đáp nghĩa", là nét đẹp trong đời sống văn hoá của nhân dân ta, tăng thêm lòng tin của nhân dân với Đảng, là nguồn cổ vũ lớn lao, động viên khích lệ mọi tầng lớp nhân dân, góp sức đẩy mạnh phát triển kinh tế, xã hội của huyện. Việc chăm sóc gia đình liệt sĩ, thương binh, bệnh binh, người có công với cách mạng là nghĩa vụ, trách nhiệm, niềm vinh dự của các cấp, các ngành, các tổ chức xã hội và của tất cả mọi người dân.

           Kỷ niệm 70 năm ngày Thương binh - Liệt sĩ là dịp để toàn Đảng, toàn dân tưởng nhớ, tri ân sự hy sinh, cống hiến của các anh hùng liệt sĩ, thương binh, bệnh binh và những người có công vì sự nghiệp bảo vệ và xây dựng đất nước. Tưởng nhớ, tri ân với người có công với đất nước không chỉ một ngày, một đợt, một lễ kỷ niệm mà cần hơn là những việc làm thiết thực, thường xuyên. Kỷ niệm 70 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ 27/7, là dịp để các cấp uỷ Đảng, chính quyền, đoàn thể và các tầng lớp nhân dân tiếp tục phát huy kết quả đã đạt được, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác thương binh, liệt sĩ và chăm sóc người có công với cách mạng, quyết tâm hoàn thành vượt mức chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2017, phấn đấu vì mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”./.

 

THÔNG TIN CHỈ ĐẠO ĐIỀU HÀNH
Đăng nhập
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1