Top slide banner
KẾ HOẠCH Giải toả hành lang an toàn giao thông đường bộ trên địa bàn huyện Mộc Châu năm 2017

UỶ BAN NHÂN DÂN

HUYỆN MỘC CHÂU

 

 

Số: 488/KH-UBND

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

 

 

Mộc Châu, ngày 15 tháng 3  năm 2017

 

 

 

 

 

 

KẾ HOẠCH

Giải toả hành lang an toàn giao thông đường bộ

 trên địa bàn huyện Mộc Châu năm 2017

________________

Căn cứ Nghị định số 11/2010/NĐ-CP ngày 24/02/2010 và Nghị định số 100/2013/NĐ-CP ngày 03/9/2013 của Chính phủ quy định về quản lý bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ;

Căn cứ Thông tư số 50/2015/TT-BGTVT ngày 23/9/2015 của Bộ Giao thông vận tải về hướng dẫn thực hiện một số điều của Nghị định số 11/2010/NĐ-CP ngày 24/02/2010 của Chính phủ quy định về quản lý bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ;

Căn cứ Quyết định số 3370/QĐ-UBND ngày 10/12/2014 của UBND tỉnh Sơn La về việc phê duyệt Kế hoạch lập lại trật tự hành lang an toàn đường bộ tỉnh Sơn La, giai đoạn 2015 - 2020;

Căn cứ Quyết định số 25/2016/QĐ-UBND ngày 05/10/2016 của UBND tỉnh Sơn La về việc ban hành quy định sử dụng phạm vi bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ địa phương tỉnh Sơn La;

­­Thực hiện Kế hoạch số 35/KH-UBND ngày 23/02/2017 của UBND tỉnh Sơn La về việc giải toả hành lang an toàn giao thông đường bộ trên địa bàn tỉnh Sơn La năm 2017;

Để tăng cường công tác quản lý nhà nước và lập lại kỷ cương pháp luật trong việc bảo vệ hành lang an toàn đường bộ. UBND huyện Mộc Châu ban hành Kế hoạch giải toả hành lang an toàn giao thông đường bộ trên địa bàn huyện năm 2017, cụ thể như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích

- Nhằm nâng cao hơn nữa hiệu quả hoạt động quản lý nhà nước, sự phối hợp giữa các địa phương, các cơ quan, ban, ngành chuyên môn trong việc bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ.

- Nâng cao ý thức tự giác chấp hành pháp luật và trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân trong việc sử dụng và bảo vệ hành lang an toàn đường bộ.

- Lập lại kỷ cương pháp luật trong việc bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ, đảm bảo đường thông, hè thoáng, đường phố xanh, sạch, đẹp, đảm bảo tầm nhìn cho các phương tiện tham gia giao thông để từng bước ngăn chặn, giảm thiểu tai nạn giao thông, góp phần tích cực xây dựng và hình thành văn hoá giao thông trong cộng đồng.

2. Yêu cầu

- Nghiêm túc triển khai đồng bộ, quyết liệt có sự chỉ đạo thường xuyên và quyết liệt từ tỉnh, huyện, xã, các ngành, Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị, UBND các xã, thị trấn, các cơ quan quản lý đường bộ.

- Các cơ quan, đơn vị được giao nhiệm vụ phải có sự phối hợp nhịp nhàng, giải tỏa đến đâu quản lý chặt chẽ đến đó, không để tái phạm, lấn chiếm hành lang đã được giải tỏa; chủ động xây dựng kế hoạch cụ thể phù hợp với tình hình thực tế của địa phương, cơ quan, đơn vị để thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả kế hoạch giải toả hành lang an toàn đường bộ năm 2017.

II. NỘI DUNG, TIẾN ĐỘ THỰC HIỆN

1. Nội dung

- Tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về trật tự an toàn giao thông, trọng tâm tuyên truyền các quy định về bảo vệ hành lang an toàn đường bộ để UBND các xã, thị trấn, nhân dân hai bên các tuyến đường nắm và hiểu rõ các quy định của pháp luật về bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ.

- Tổ chức kiểm tra, phân loại các trường hợp vi phạm hành lang đường bộ thuộc các tuyến Quốc lộ, Tỉnh lộ do cơ quan quản lý đường bộ cung cấp (hoặc phát sinh trong quá trình thực hiện nhiệm vụ).

- Vận động các tổ chức, cá nhân vi phạm hành lang an toàn đường bộ tự giác tháo dỡ, di dời công trình, vật kiến trúc khác ra khỏi phạm vi hành lang giao thông đường bộ.

- Thực hiện cưỡng chế giải toả các công trình xây dựng trái phép, đặt biển quảng cáo, panô áp phích, mái che, mái vẩy, lều quán, quầy bán hàng hoá trong phạm vi hành lang an toàn đường bộ.

- Quản lý và bảo vệ tốt phần hành lang an toàn đường bộ đã thực hiện giải toả, bảo vệ mốc lộ giới đã được giao cho chính quyền địa phương quản lý.

- Xây dựng, duy trì hoạt động mô hình cộng tác viên bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ tại địa phương gồm Công an viên tại các tổ, bản dọc tuyến đường Quốc lộ, Tỉnh lộ, đường Tỉnh, đường huyện, đường xã để phối hợp tuyên truyền và xử lý vi phạm hành lang ATGT đường bộ ngay từ giai đoạn đầu).

2. Tiến độ thực hiện

2.1. Trong tháng 3 và tháng 4  năm 2017

- Ban hành kế hoạch giải tỏa hành lang giao thông đường bộ.

- Thành lập Tổ công tác Liên ngành giải tỏa hành lang an toàn đường bộ trên địa bàn năm 2017.

-Tổ chức họp Tổ công tác Liên ngành triển khai Kế hoạch giải toả hành lang an toàn đường bộ; phân công nhiệm vụ cụ thể cho các ngành thành viên.

- Tổ chức thực hiện công tác tuyên truyền, ký cam kết, vận động, quy định thời gian cho các tổ chức, cá nhân, hộ gia đình có công trình vi phạm hành lang an toàn giao thông đường bộ tự giác tháo dỡ.

2.2. Từ ngày 01/5/2017 đến ngày 31/7/2017

Tổ chức rà soát, kiểm tra lại các trường hợp vi phạm hành lang giao thông (do cơ quan quản lý đường bộ cung cấp hoặc phát sinh đối với đường Quốc lộ, Tỉnh lộ), phân loại, hoàn chỉnh các thủ tục, thông báo, tuyên truyền, vận động, ký cam kết, yêu cầu các tổ chức, cá nhân tự giác tháo dỡ công trình vi phạm. Tổ chức kiểm tra, rà soát, thông báo, vận động, ký cam kết, yêu cầu tự giác tháo dỡ công trình vi phạm đối với đường đô thị, đường nông thôn.

2.3. Từ ngày 01/8/2017 đến ngày 31/10/2017

- Tiếp tục thông báo yêu cầu các hộ gia đình, cá nhân vi phạm tự giác tháo dỡ công trình vi phạm.

- Tổ chức cưỡng chế, giải tỏa các trường hợp vi phạm không tự giác tháo dỡ.

2.4. Từ ngày 01/11/2017 đến ngày 15/11/2017

- Tổng kết, rút kinh nghiệm, tổng hợp, báo cáo kết quả.

- Quản lý, bảo vệ phần hành lang đường bộ đã được giải tỏa, bảo vệ mốc lộ giới và xử lý các hành vi vi phạm; có hình thức xử lý nghiêm, triệt để đối với các tổ chức, cá nhân lấn chiếm hoặc tái lấn chiếm, sử dụng trái phép đất hành lang an toàn đường bộ.

   III. KINH PHÍ

 - Kinh phí để thực hiện Kế hoạch được cấp từ nguồn ngân sách huyện.

- Đề nghị các cơ quan quản lý đường bộ hỗ trợ kinh phí, lực lượng, xe máy để tổ chức cưỡng chế các trường hợp vi phạm hành lang ATGT trên các tuyến Quốc lộ, Tỉnh lộ; hỗ trợ kinh phí để phô tô, in ấn tài liệu tuyên truyền, bản cam kết để các xã, thị trấn phối hợp thực hiện.

IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Phòng Kinh tế và Hạ tầng

- Chủ trì, thống nhất với các cơ quan liên quan triển khai Kế hoạch giải toả hành lang giao thông trên địa bàn.

- Chủ trì, phối hợp với các đơn vị quản lý đường bộ, Thanh tra giao thông đường bộ, các cơ quan liên quan tổ chức rà soát, kiểm tra lại các trường hợp vi phạm do cơ quan quản lý đường bộ cung cấp, phân loại làm căn cứ tổ chức giải tỏa cưỡng chế. Kiểm tra, chỉ đạo UBND các xã, thị trấn triển khai giải tỏa hành lang ATGT đường đô thị, đường nông thôn.

- Không cấp Giấy phép xây dựng (kể cả Giấy phép tạm thời) trong phạm vi HLGT đường bộ.

- Giúp UBND huyện kiểm tra, đôn đốc thực hiện Kế hoạch giải toả.

- Lập dự trù kinh phí cho công tác giải toả hành lang đường bộ.

- Tổng hợp, báo cáo kết quả thực hiện.

2. Phòng Tư pháp

- Chủ trì, phối hợp với phòng Kinh tế và Hạ tầng, UBND các xã, thị trấn tổ chức tuyên truyền Luật Giao thông đường bộ và các quy định của pháp luật về quản lý, bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ; các quy định xử phạt, cưỡng chế vi phạm hành lang giao thông đường bộ.

 - Tham mưu, tư vấn các giải pháp xử lý các trường hợp vi phạm; văn bản cưỡng chế đối với các trường hợp cố tình không chấp hành.

3. Phòng Văn hóa và Thông tin

- Tuyên truyền Kế hoạch giải tỏa hành lang đường bộ năm 2017 trên Cổng thông tin điện tử của huyện.

- Kiểm tra, cung cấp cho Tổ giải tỏa hành lang ATGT đường bộ huyện các trường hợp lắp biển quảng cáo vi phạm hành lang an toàn giao thông đường bộ để giải tỏa, cưỡng chế.

4. Phòng Tài nguyên và Môi trường

- Tham gia thành viên Tổ công tác Liên ngành giải toả hành lang đường bộ. Phối hợp với UBND các xã, thị trấn xác định tính hợp pháp, nguồn gốc đất đai để làm căn cứ cho việc giải toả vi phạm hành lang đường bộ.

- Tham mưu UBND huyện cấp Giấy chứng nhận Quyền sử dụng đất theo đúng quy định của Luật Đất đai.

5. Phòng Tài chính - Kế hoạch

Tham mưu với UBND huyện cấp kinh phí để thực hiện kế hoạch giải toả hành lang đường bộ.

6. Đài Truyền thanh - Truyền hình huyện

- Tuyên truyền kế hoạch giải tỏa hành lang đường bộ năm 2017 trên sóng truyền thanh, truyền hình huyện.

- Xây dựng bài tuyên truyền giải tỏa hành lang đường bộ các tuyến Quốc lộ, tỉnh lộ chuyển Trung tâm Văn hóa - Thể thao huyện tuyên truyền trên xe lưu động.

- Xây dựng phóng sự về việc vi phạm hành lang đường bộ, việc xử lý của các cơ quan chức năng, ý thức chấp hành của tổ chức, cá nhân trong việc quản lý, xử lý, bảo vệ hành lang đường bộ.

- Ghi hình, thu âm trong công tác giải tỏa, cưỡng chế các trường hợp vi phạm hành lang đường bộ.

7. Trung tâm Văn hoá - Thể thao huyện

Bố trí xe tuyên truyền lưu động để tuyên truyền công tác giải toả hành lang đường bộ (theo lịch của Tổ công tác Liên ngành).

8. Công an huyện

- Tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát, xử lý các vi phạm, bảo đảm trật tự ATGT.

- Cử cán bộ, chiến sỹ tham gia tổ công tác giải toả hành lang đường bộ,  tuyên truyền, vận động các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân có công trình vi phạm tự giác tháo dỡ.

- Thực hiện nhiệm vụ của Tổ cưỡng chế các trường hợp vi phạm không tự giác tháo dỡ.

- Huy động lực lượng Công an xã để phối hợp thực hiện kế hoạch giải toả vi phạm hành lang ATGT đường bộ.

9. Đề nghị Thanh tra giao thông đường bộ (thuộc Chi cục I.1, Thanh tra Sở Giao thông vận tải)

- Thực hiện nhiệm vụ theo quy định tại Thông tư số 50/2015/TT-BGTVT ngày 23/9/2015 của Bộ Giao thông vận tải hướng dẫn thi hành một số Điều của Nghị định số 11/2010/NĐ-CP ngày 24/02/2010 của Chính phủ quy định về quản lý và bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ và các quy định của pháp luật.

- Phối hợp với các ngành chức năng, UBND các xã, thị trấn thực hiện công tác tuyên truyền, giải toả vi phạm hành lang đường bộ theo kế hoạch.

- Phối hợp với Tổ công tác Liên ngành kiểm tra lại các trường hợp vi phạm, phân loại, thống nhất giải tỏa, cưỡng chế.

- Phối hợp thực hiện công tác cưỡng chế các trường hợp vi phạm không tự giác tháo dỡ, di dời.

10. Đề nghị các cơ quan quản lý đường bộ

 - Phối hợp với các cơ quan chức năng, UBND các xã, thị trấn tổ chức tuyên truyền các quy định về bảo vệ hành lang đường bộ

- Kiểm tra, rà soát, cung cấp hồ sơ các trường hợp vi phạm hành lang đường bộ cho UBND huyện (qua Phòng Kinh tế và Hạ tầng) để thống nhất kế hoạch kiểm tra, tuyên truyền, giải toả vi phạm hành lang đường bộ.

- Phối hợp với Tổ công tác Liên ngành kiểm tra lại các trường hợp vi phạm, phân loại, thống nhất giải tỏa, cưỡng chế.

- Phối hợp với chính quyền địa phương thực hiện giải toả công trình lấn chiếm, xây dựng trái phép, tái lấn chiếm trong đất hành lang đường bộ.

- Phối hợp với UBND các xã, thị trấn tổ chức cho các tổ chức, cá nhân sinh sống ven các trục đường giao thông ký cam kết chấp hành các quy định về bảo vệ hành lang đường bộ.

- Tổ chức cắm mốc lộ giới sau khi giả toả xong, bàn giao cho chính quyền địa phương quản lý theo quy định.

11. UBND các xã, thị trấn

- Tổ chức tuyên truyền cho nhân dân các bản, tiểu khu có tuyến đường Quốc lộ, tỉnh lộ đi qua (đặc biệt là nhân dân sống hai bên đường), các tuyến đường huyện, đường đô thị, đường xã về quy định bảo vệ hành lang đường bộ; Kế hoạch giải toả các trường hợp vi phạm. Tổ chức tuyên truyền (họp các hộ dân có công trình xây dựng vi phạm) để thông báo Kế hoạch của huyện về giải toả vi phạm hành lang đường bộ, yêu cầu các hộ dân chấp hành tự giác tháo dỡ, di dời công trình vi phạm.

- Chủ trì, phối hợp với cơ quan quản lý đường bộ tổ chức cho các tổ chức, cá nhân sinh sống ven các trục đường giao thông ký cam kết chấp hành các quy định về bảo vệ hành lang đường bộ, cam kết tự giác tháo dỡ công trình vi phạm, cam kết không xây dựng, cơi nới công trình trên đất có Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

- Thông báo đến các cơ quan, đơn vị có cá nhân, hộ gia đình có công trình vi phạm, yêu cầu cơ quan, đơn vị phối hợp tuyên truyền để cá nhân, hộ gia đình tự giác tháo dỡ và đề nghị cơ quan xử lý theo quy định nếu không chấp hành (đối với các trường hợp vượt thẩm quyền).

- Xử lý theo thẩm quyền các hành vi vi phạm hành lang ATGT đường bộ trên các tuyến đường Quốc lộ, đường tỉnh, đường đô thị, đường huyện, đường xã thuộc địa bàn quản lý ngay từ giai đoạn đầu.

- Bố trí lực lượng, phối hợp với các ngành liên quan thực hiện công tác giải toả, cưỡng chế các trường hợp vi phạm cố tình không chấp hành  

- Tiếp nhận và quản lý mốc lộ giới khi cơ quan quản lý đường bộ bàn giao. Thực hiện công tác phối hợp để bảo vệ hành lang đường bộ.

- Triển khai xây dựng mô hình cộng tác viên bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ.

12. Đề nghị Uỷ ban mặt trận Tổ quốc Việt Nam huyện,  Liên đoàn Lao động  huyện,  Đoàn thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh huyện, Hội Cựu chiến binh, Hội Nông dân, Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện

- Tổ chức tuyên truyền đến Đoàn viên, Hội viên về chủ trương của tỉnh, của huyện về giải toả các trường hợp vi phạm hành lang đường bộ.

 - Vận động các trường hợp đoàn viên, hội viên vi phạm tự giác tháo dỡ, di dời công trình vi phạm.

Căn cứ Kế hoạch này, yêu cầu Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị liên quan nghiêm túc tổ chức triển khai thực hiện, báo cáo kết quả hàng tháng (ngày 15-17 hàng tháng) về UBND huyện (qua Phòng Kinh tế và Hạ tầng)./.

Nơi nhận:

- UBND tỉnh (B/c);

- Ban ATGT tỉnh;

- TTHU, HĐND huyện;

- Lãnh đạo UBND huyện;

- Các cơ quan, đơn vị liên quan;

- Chi cục quản lý đường bộ I.1;

- Công ty cổ phần đường bộ 224;

- Công ty Cổ phần QLSC&XDCTGTII Sơn La;

- UBND các xã, thị trấn;

- CV khối KT;

- Lưu: VT, KTHT, 60b.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN

CHỦ TỊCH

 

 

 

 

 

 

Phạm Đức Chính

THÔNG TIN CHỈ ĐẠO ĐIỀU HÀNH
Đăng nhập
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1