Top slide banner
Mộc Châu bảo tồn phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc

Cứ vào dịp Quốc khánh 2/9 là đồng bào các dân tộc Mộc Châu từ các bản gần xa không phân biệt già trẻ, gái trai, giàu nghèo lại nô nức rủ nhau xuống chợ để tỏ lòng biết ơn Đảng và Bác Hồ đã đem lại độc lập tự do cho tổ quốc. Truyền thống văn hóa đặc sắc này trở thành ngày hội thắm đượm tình đoàn kết, là nơi lưu giữ, bảo tồn những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của nhân dân các dân tộc Mộc Châu và là điểm hẹn hấp dẫn, lý thú cho du khách trong và ngoài nước đến khám phá, trải nghiệm.

Cứ vào dịp Quốc khánh 2/9 là đồng bào các dân tộc Mộc Châu từ các bản gần xa không phân biệt già trẻ, gái trai, giàu nghèo lại nô nức rủ nhau xuống chợ để tỏ lòng biết ơn Đảng và Bác Hồ đã đem lại độc lập tự do cho tổ quốc. Truyền thống văn hóa đặc sắc này trở thành ngày hội thắm đượm tình đoàn kết, là nơi lưu giữ, bảo tồn những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của nhân dân các dân tộc Mộc Châu và là điểm hẹn hấp dẫn, lý thú cho du khách trong và ngoài nước đến khám phá, trải nghiệm.

Một trong những hoạt động sôi động, hấp dẫn nhất tại Ngày hội văn hóa các dân tộc huyện Mộc Châu năm 2017 là Lễ hội đường phố. Với sự tham gia của 160 diễn viên, nghệ nhân dân tộc Thái, Mông, Dao, Mường đến từ các xã, thị trấn trên địa bàn huyện. Không gian nghệ thuật ấy đã thể hiện những nét văn hóa đặc trưng riêng có của các dân tộc một cách trọn vẹn, độc đáo nhất, tạo nên một “bức tranh” phong phú, đa sắc màu, đậm đà bản sắc của đồng bào các dân tộc đang sinh sống trên mảnh đất Mộc Châu tươi đẹp.

Tham dự Lễ hội đường phố, đồng bào dân tộc Mông bản Tà Phềnh, xã Tân Lập và tiểu khu Pa khen III, thị trấn Nông Trường Mộc Châu những “nghệ sĩ” không chuyên đã bộc lộ lòng biết ơn Đảng một cách rất chân thành và mộc mạc. Những điệu múa, lời ca của họ không được dàn dựng công phu nhưng họ vẫn rất nổi bật thu hút được sự chú ý của rất đông du khách.

Các chàng trai, cô gái dân tộc Dao lại say mê trong điệu múa chuông rộn rã và sinh động trên đường phố trung tâm huyện. Với đạo cụ chính là chiếc chuông nhỏ bằng đồng kết hợp với trống, chiêng đã tạo nên âm thanh sôi động. Người múa tay trái cầm một đoạn tre được trang trí bằng sợi vài nhiều màu sắc, tay phải cầm một chiếc chuông để đánh nhịp, những sợi tua mầu được tung lên, hạ xuống, lượn tròn nhịp nhàng… Điệu múa chuông của người Dao là sự kết hợp nhịp nhàng của sự khỏe khoắn, dẻo dai của các chàng trai và các động tác nhún chân mềm mại, duyên dáng của các cô gái. Đây cũng là điệu múa cách điệu được thể hiện trong Lễ cấp sắc của người Dao, một nghi lễ được công nhận là di sản phi vật thể cấp quốc gia.  

Trong đời sống văn hóa của dân tộc Mường thì cồng, chiêng đóng vai trò quan trọng. Trong đời sống văn hóa thì cồng, chiêng được những người phụ nữ sử dụng… Tiếng cồng, chiêng thể hiện sự vui nhộn cũng như tiếng mời gọi của các cô gái dân tộc Mường khi có bất cứ lễ hội nào của bản. Tiếng cồng, chiêng cũng là nhạc cụ chính cho điệu nhảy sạp đặc trưng vô cùng độc đáo và hấp dẫn. Những cô gái người Mường với sự dịu dàng, đằm thắm phối hợp nhịp nhàng với các chàng trai Mường khỏe khoắn họ cùng nắm tay nhau thể hiện tình yêu chân thành. Điệu múa này cũng có ý nghĩa đặc biệt trong đời sống tâm linh và sinh hoạt của người Mường.  

Tham dự vào Lễ hội đường phố đồng bào dân tộc Thái ở bản Nà Bó, xã Mường Sang và bản Piềng Lán xã Chiềng Hắc thể hiện điệu múa xòe cùng du khách. Múa xòe của người Thái biểu hiện sự đoàn kết thân thiện mang tính tập thể. Người Thái ai cũng biết múa xòe và yêu thích nghệ thuật múa xòe của dân tộc. Mỗi động tác, mỗi bước đi, cách xếp đội hình trong điệu múa xoè là những cung bậc, sắc thái khác nhau. Người Thái quan niệm rằng: Múa xòe thì phải vui, càng đông thì càng vui, càng vui thì cây cối càng đơm hoa kết trái, mùa màng bội thu. Điều đó đã mang đến sự độc đáo của xòe Thái, dù bạn là ai, đến từ đâu cũng có thể tham gia vào điệu xòe của người Thái. Cũng chính vì vậy, Lễ hội đường phố ở Mộc Châu, không chỉ là nơi tái hiện, giới thiệu đến du khách những nét văn hóa truyền thống của các dân tộc Mộc Châu, mà ở đó còn là nơi để tất cả mọi người cùng tham gia múa hát những điệu múa đặc sắc nhất, thể hiện tình yêu, sự đoàn kết của nhân dân các dân tộc Việt Nam trong ngày Quốc khánh.

Thi nhảy Tha Kềnh là hoạt động mới trong chuỗi các hoạt động của Ngày hội văn hóa các dân tộc Mộc Châu năm 2017. Hội thi có sự tham gia của các chàng trai dân tộc Mông đến từ các xã, thị trấn trên địa bàn huyện. Điệu nhảy có động tác rất phong phú, đa dạng thể hiện sự khỏe khoắn, dẻo dai của các chàng trai dân tộc Mông.

Điệu nhảy Tha Kềnh hay còn gọi là nhảy Khèn của dân tộc Mông. Khèn được làm rất công phu tỉ mỉ và đòi hỏi người thợ làm khèn phải có đôi tay khéo léo và đôi tai thẩm âm tinh tế mới có thể làm được chiếc khèn có âm thanh trầm bổng đặc trưng. Theo phong tục, Khèn là nhạc cụ độc đáo thể hiện tâm linh, tín ngưỡng truyền thống; là vật linh thiêng trong các nghi lễ của người Mông. Ngày nay, điệu “múa Khèn » còn được dùng biểu diễn trong những dịp lễ hội, sinh hoạt văn hóa, văn nghệ tại địa phương. Âm thanh của loại nhạc cụ này mang âm hưởng của vùng cao bao la, hùng vĩ, nét giản dị, trong sáng và khoáng đạt,  ngấm sâu vào tâm hồn người Mông. Tiếng khèn đã trở thành một phương thức để người Mông chuyển tải, thổ lộ những tâm tư, nguyện vọng của mình. Với tiếng khèn vui, cảm giác hưng phấn, rộn ràng, còn khi buồn, tiếng khèn chậm và trầm buồn, da diết.

Nhảy khèn gồm nhiều động tác như: nhảy đưa chân, quay đổi chỗ, quay tại chỗ. Tuy nhiên, động tác múa khèn cơ bản là khom lưng, quay hất gót tại chỗ… Người múa khèn tốc độ quay càng nhanh càng thể hiện sự điêu luyện. Điệu nhảy của người Mông mang nét chân thành, giản dị như chính con người họ.

Thi nhảy “tha kềnh” trong Ngày hội văn hóa huyện Mộc Châu, năm nay, nhằm tôn vinh nét văn hoá đặc sắc của đồng bào dân tộc Mông đồng thời bảo tồn và duy trì truyền thống văn hóa mang tính nhân văn sâu sắc trong đời sống thường nhật cũng như lễ hội của người Mông.

Cuộc thi ẩm thực cũng là một địa điểm thu hút rất đông du khách và người dân đến xem và cổ vũ. Tại đây, đồng bào dân tộc Thái đã tái hiện lại cách lấy lửa truyền thống bằng bùi nhùi. QV&CB có thể thấy được quy trình nấu ăn còn rất thô sơ của người Thái xưa. Những phương pháp chế biến món ăn đó của họ hoàn toàn dựa vào kinh nghiệm từ đời xưa để lại chứ không có bất cứ trường lớp nào truyền dạy.

Trong mỗi cuộc Thi nấu cơm dân tộc tại Mộc Châu có lẽ hồi hộp và kịch tính nhất là màn lấy lửa bằng các hình thức cọ sát vật liệu tự nhiên mà không được dùng bất cứ phương tiện lấy lửa hiện đại nào. Phần thi này do các thành viên nam trong đội thực hiện sao cho việc lấy lửa được nhanh nhất. Chính vì vậy phần lấy lửa đòi hỏi sự chuẩn bị vô cùng kỹ lưỡng và cẩn thận từ việc chọn thanh tre để cọ sát, làm bùi nhùi để tiếp lửa.

Hội thi nấu cơm, góp phần lưu giữ, bảo tồn những nét văn hóa đặc sắc, riêng có của người Thái. Tất cả món ăn của người Thái đều được chế biến từ nguồn nguyên liệu hoàn toàn tự nhiên. Điều làm nên vị đặc biệt của ẩm thực dân tộc Thái chính là các gia vị của núi rừng được phối trộn hài hòa giữa các vị đắng- cay- mặn- chát. Nhờ bàn tay khéo léo của cô gái Thái sẽ tạo nên những món ăn truyền thống mà ai đã từng được thưởng thức một lần đều sẽ nhớ mãi...

Cũng nằm trong không gian văn hóa ẩm thực của Mộc Châu, Thi giã bánh dầy của người Mông cũng diễn ra vô cùng ấn tượng. Bánh dầy là món ăn chính của người Mông trong mỗi dịp Lễ, Tết. Nguyên liệu chính của món bánh này là gạo nếp nương thơm và dẻo được đồ chín bằng chõ gỗ để giữ được hương thơm. Giã bánh giầy là một công việc nặng nhọc và đòi hỏi nhiều sức lực và kỹ thuật. Bởi vậy những người tham gia giã bánh là những người đàn ông, thanh niên khỏe mạnh. Khi xôi được giã nhuyễn và mịn thì các bà, các chị khéo léo nặn thành những chiếc bánh xinh xắn, tròn trịa như mặt trăng, mặt trời theo truyền thuyết của người Mông.

Đồng bào dân tộc Dao xã Phiêng Luông cũng đã mang đến Ngày hội văn hóa các dân tộc Mộc Châu những món ăn truyền thống của mình. Trong đó thịt lợn muối chua là món ăn truyền thống độc đáo của người dân tộc Dao Tiền.Thịt lợn muối chua có đặc trưng là có vị chua, mềm mà không dai, không béo ngấy mỡ. Thay vào đó là vị đậm đà của thịt hòa cùng vị cay cay của riềng, vị thơm của lá cơm đỏ, trầu không, cơm nếp, đặc biệt là vị chua hòa lẫn vị mặn của muối đã tạo cho món ăn có hương vị thật độc đáo, khó quên. Trong sinh hoạt, người Dao dùng thịt muối chua để đón tiếp khách quý.  

Mỗi dân tộc tại Mộc Châu đều có những nét văn hoá ẩm thực riêng nhưng giống nhau bởi các món ăn mang nguyên liệu, hương vị của núi rừng. Bằng tấm lòng hiếu khách, bằng tình cảm của người chế biến gửi gắm trong mỗi món ăn và cách chế biến của từng dân tộc tạo nên sự độc đáo, hấp dẫn đối với du khách

Đến Mộc Châu vào dịp Quốc khánh QV&CB đừng bỏ lỡ đêm hội mừng Tết Độc lập của đồng bào các dân tộc nơi đây. Mỗi dân tộc thể hiện những nét văn hóa đặc trưng riêng nhưng tất cả  đều chứa đựng tâm hồn, tình cảm và cả cốt cách của đồng bào các dân tộc. Nó thể hiện sự chinh phục của con người đối với thiên nhiên,  tình yêu cuộc sống, yêu lao động và cả tình yêu đôi lứa thủy chung, son sắc.

Với chủ đề “Khát vọng Thảo Nguyên” chương trình nghệ thuật trong đêm hội mừng Tết Độc lập đã giới thiệu một cách đầy đủ những nét văn hóa đặc trưng, độc đáo nhất của nhân dân các dân tộc Mộc Châu. Điểm nhấn của chương trình nghệ thuật là hình ảnh đẹp của cô gái Thái và chàng trai miền xuôi lên thăm cao nguyên, say sưa trong tình người Châu Mộc. Những tiết mục ca, múa đã khéo léo giới thiệu những nét văn hóa đặc sắc nhất trong đời sống sinh hoạt, lao động sản xuất của đồng bào các dân tộc Mộc Châu. Tiếng hát, tiếng khèn hòa trộn với âm hưởng rộn ràng của tiếng cồng, chiêng đã mang đến cho khán giả những cái nhìn mới mẻ về mảnh đất, con người Mộc Châu. 

Chương trình nghệ thuật mừng Tết Độc lập trên cao nguyên Mộc Châu, hấp dẫn và thu hút được sự tham gia của đông đảo bà con nhân dân và du khách nhất là vòng xòe đoàn kết các dân tộc. Ở đây, khán giả được hòa mình vào những điệu múa truyền thống đặc sắc đồng bào các dân tộc Mộc Châu như: điệu múa chuông của dân tộc Dao, điệu xòe của dân tộc Thái, điệu nhẩy Tha Kềnh của dân tộc Mông hay điệu múa Sạp dân tộc Mường. Tất cả hòa quyện với nhau tạo nên một không gian văn phong phú, đa sắc màu, đầy hấp dẫn và mới lạ mang đậm đà bản sắc của đồng bào các dân tộc Mộc Châu.

Được hòa mình trong những điệu múa truyền thống của đồng bào các dân tộc chắc chắn đã mang đến cho khán giả những trải nghiệm thú vị về mảnh đất, con người nơi đây.  Những chùm  pháo bông rực rỡ đã kết thúc chương trình nghệ thuật chào mừng Tết độc lập, đó cũng chính là lời chào, lời hẹn của đồng bào các dân tộc Mộc Châu. Hẹn gặp lại vào Tết Độc lập năm sau.

THÔNG TIN CHỈ ĐẠO ĐIỀU HÀNH
Đăng nhập
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1