Top slide banner
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dự Hội nghị Xúc tiến đầu tư tỉnh Sơn La năm 2017

Ngày 17/7, tỉnh  Sơn La đã long trọng tổ chức hội nghị xúc tiến đầu tư tỉnh Sơn La năm 2017 tại huyện Mộc Châu. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dự và phát biểu tại hội nghị.

Ngày 17/7, tỉnh  Sơn La đã long trọng tổ chức hội nghị xúc tiến đầu tư tỉnh Sơn La năm 2017 tại huyện Mộc Châu. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dự và phát biểu tại hội nghị.

Tham dự Hội nghị xúc tiến đầu tư tỉnh Sơn La năm 2017 có các đồng chí: Nguyễn Hòa Bình, Bí thư Trung ương Đảng, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao; Cao Đức Phát, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Kinh tế Trung ương; Mai Tiến Dũng, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ: Trương Quang Nghĩa, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải; Nguyễn Chí Dũng, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư; Hầu A Lềnh, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo Tây Bắc; lãnh đạo các bộ, ban, ngành Trung ương; lãnh đạo các tỉnh: Cao Bằng, Điện Biên, Thanh Hóa, Thái Nguyên, Lạng Sơn, Nam Định, Hà Giang, Yên Bái; đại diện đại sứ quán CHDCND Lào và Bun Ga Ri tại Việt Nam; lãnh đạo các tập đoàn kinh tế, doanh nghiệp, nhà đầu tư trong và ngoài tỉnh, các ngân hàng thương mại, các nhà tài trợ ODA, các nhà đầu tư nhận quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư, cam kết đầu tư trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2017-2020, các ngân hàng thương mại cam kết tài trợ an sinh xã hội cho vùng khó khăn của tỉnh  Sơn La.

Dự hội nghị tỉnh Sơn La có các đồng chí: Hoàng Văn Chất, Bí thư tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Nguyễn Đắc Quỳnh, Phó Bí thư Thường trực tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh; Nguyễn Hữu Đông, Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Bí thư tỉnh ủy; Cầm Ngọc Minh, Phó Bí thư tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; các đồng chí trong Ban Thường vụ tỉnh ủy; Thường trực HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh; lãnh đạo các sở, ban, ngành của tỉnh.

Dự hội nghị huyện Mộc Châu có đồng chí Hà Trung Chiến Bí thư huyện ủy, đồng chí Phạm Thị Nhung, Phó Bí thư thường trực huyện ủy, đồng chí Phạm Đức Chính, chủ tịch UBND huyện  Mộc Châu

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Đ/c Hoàng Văn Chất- Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Sơn La cho biết: Hội nghị xúc tiến đầu tư là cơ hội để tỉnh Sơn La tiếp tục quảng bá, giới thiệu tới các nhà đầu tư trong và ngoài nước về chủ trương, định hướng phát triển lớn của tỉnh; tiềm năng và cơ hội đầu tư; đồng thời cũng khẳng định quyết tâm thu hút đầu tư của tỉnh. Đây cũng là diễn đàn, là cơ hội để các cơ quan quản lý, các nhà đầu tư, các doanh nghiệp xem xét. Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Sơn La cũng đặc biệt nhấn mạnh: Sơn La luôn đồng hành và cam kết tạo điều kiện thuận lợi nhất để các nhà đầu tư, các doanh nghiệp đầu tư tại Sơn La.

Sơn La là tỉnh có diện tích tự nhiên lớn 14.174 km2, dân số trên 1,2 triệu người. Với tiềm năng, lợi thế về đất đai, lao động và khí hậu, hiện nay Sơn La có 927.000 ha đất nông nghiệp, với 2 cao nguyên rộng lớn là Mộc Châu và Nà Sản. Tỉnh có 2 con sông lớn là sông Đà và sông Mã chảy qua, 2 lòng hồ thủy điện Hoà Bình và thủy điện Sơn La với diện tích hơn 400 km2; trên 500 hồ đập công trình thuỷ lợi, 35 dòng suối lớn nhỏ và 2.500 ha ao hồ để đầu tư phát triển thuỷ sản. Nằm ở vị trí thượng nguồn của sông Đà và sông Mã, địa hình chia cắt mạnh, độ dốc lớn, có nhiều thuận lợi nên tỉnh đã tập trung đầu tư phát triển thủy điện. Hiện nay tỉnh đang khảo sát và đầu tư phát triển điện mặt trời, nhất là trên lòng hồ thủy điện Sơn La và thủy điện Hòa Bình. Sơn La có tiểu vùng khí hậu thích hợp để phát triển chăn nuôi đại gia súc, nhất là chăn nuôi bò sữa. Hệ thống giao thông kết nối Sơn La với các tỉnh trong vùng ngày càng được nâng cấp, trong đó có Quốc lộ 6 nối Hà Nội với các tỉnh Tây Bắc; có 2 cửa khẩu quốc gia là (Cửa khẩu Lóng Sập, cửa khẩu Chiềng Khương) kết nối với các tỉnh Bắc Lào.

Sơn La còn có những danh lam thắng cảnh nổi tiếng mà nổi bật nhất là Cao nguyên Mộc Châu tươi đẹp, được quy hoạch là Khu du lịch quốc gia. Đặc biệt, Mộc Châu- Sơn La sở hữu một nền văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc với các phong tục tập quán hấp dẫn khách du lịch trong và ngoài nước. 

Với vị trí địa lý, điều kiện tự nhiên, khí hậu, thổ nhưỡng của tỉnh miền núi, Sơn La có nhiều tiềm năng, thế mạnh trong thu hút đầu tư, nhất là trên các lĩnh vực: Nông nghiệp công nghệ cao, phát triển du lịch, năng lượng. Từ năm 2003 đến nay, tỉnh  Sơn La thu hút 373 dự án đầu tư với số vốn gần 26.540 tỷ đồng, trong đó có 9 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài; sáu tháng đầu năm 2017, tỉnh Sơn La thu hút được 57 dự án, với tổng vốn đăng ký đầu tư 4.432 tỷ đồng, gấp hơn 3 lần so với cùng kỳ năm 2016.

Bên cạnh chính sách ưu đãi đầu tư của Trung ương, sự quan tâm đầu tư của các doanh nghiệp, tỉnh Sơn La còn có các chính sách khuyến khích phát triển nông nghiệp công nghệ cao, công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, thương mại, dịch vụ và du lịch… Tại Hội nghị này, tỉnh Sơn La đã trao quyết định chủ trương đầu tư, cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 26 dự án với tổng mức đầu tư 8.560 tỷ đồng; ký biên bản ghi nhớ với nhà đầu tư 17 dự án, tổng mức đầu tư 14.932 tỷ đồng.

Phát biểu ý kiến chỉ đạo hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: "Một Sơn La, ba điểm đến" với ba thế mạnh nổi trội là có các tiểu vùng khí hậu độc đáo, trong đó có cao nguyên Mộc Châu, cảnh quan thiên nhiên kỳ vĩ và bản sắc văn hóa địa phương đặc sắc. Nhờ quảng bá xúc tiến, một làn sóng đầu tư mới của các nhà đầu tư Việt Nam và nước ngoài đã đến với Sơn La. Cùng với sự quan tâm hỗ trợ của Trung ương, tỉnh Sơn La đã năng động, tìm ra hướng đi và cách làm mới hiệu quả và có sự chuyển mình đáng ghi nhận, nhất là lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao, các thế mạnh của địa phương, tạo được làn sóng mới hấp dẫn các nhà đầu tư.

Ðể thực hiện được mục tiêu đề ra, Thủ tướng nhấn mạnh trước lãnh đạo các cấp chính quyền của Sơn La rằng "mọi bộ máy cơ sở phải chuyển biến nhạy bén, kịp thời, sâu sắc với các quyết sách từ Chính phủ và T.Ư". Người dân, doanh nghiệp mong mỏi sự chuyển biến cả hệ thống từ T.Ư tới xã, phường. Thủ tướng đề nghị các bộ, ngành, địa phương thời gian qua thực hiện tinh thần Chính phủ kiến tạo là "không chỉ ở Hà Nội, mà chính là tất cả các cấp, các ngành trong hệ thống. Trước hết kiến tạo phải bằng hành động và hành động đó phải có kết quả cụ thể, đặc biệt là cấp cơ sở". Kiến tạo không phải chỉ biết nhìn vào khó khăn để đối phó, mà phải có tinh thần vượt lên chính mình như chuyển động ở một số địa phương thời gian qua, trong đó có Sơn La. Muốn kiến tạo phải có niềm tin, biết sáng tạo, phát huy các nét độc đáo, khác biệt riêng có của địa phương.

Trên tinh thần đó, Thủ tướng đề nghị tỉnh Sơn La làm tốt các yêu cầu, nhiệm vụ cụ thể, trong đó nhấn mạnh việc giữ gìn bảo vệ an ninh biên giới, trật tự an toàn xã hội, tạo điều kiện thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Thủ tướng nêu rõ, trong xu thế phát triển ngày nay, thách thức lớn nhất là nghèo đói. Chúng ta không thể cam chịu đói nghèo, vì thế xúc tiến thu hút đầu tư cần quan tâm đến lợi ích của đồng bào, trong đó làm sao nhà đầu tư vào tỉnh thì người dân phải được hưởng lợi, đời sống sản xuất của đồng bào phải được cải thiện. Sơn La cần đẩy mạnh hơn nữa sản xuất hàng hóa theo cơ chế thị trường, tăng cường các mô hình liên kết, hợp tác sản xuất, chế biến. Ðộng viên ý chí khởi nghiệp của các doanh nghiệp và người dân, đẩy lùi tư duy tiểu nông, phát triển một số sản phẩm đặc trưng, sản phẩm du lịch, gắn với bảo vệ môi trường, khai thác hợp lý nguồn tài nguyên khoáng sản, tài nguyên rừng. Cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, cải cách hành chính, nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh, quan tâm phát triển hạ tầng về giao thông, công nghệ thông tin, giáo dục đào tạo, bồi dưỡng nguồn lực. Công tác quy hoạch phải có tầm nhìn xa, bảo đảm cho người dân được hưởng lợi từ các sản phẩm du lịch, nông nghiệp công nghệ cao, mang lại giá trị bền vững về kinh tế và môi trường, xây dựng các mô hình kinh tế hiệu quả để nhân rộng ra vùng Tây Bắc.

Thủ tướng tin tưởng cấp ủy, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Sơn La đoàn kết xây dựng tỉnh nhà sớm trở thành tỉnh phát triển khá trong vùng trung du và các tỉnh miền núi phía bắc.

Chiều cùng ngày, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc có buổi làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Sơn La về tình hình kinh tế-xã hội địa phương.

          Báo cáo với Thủ tướng Chính phủ và đoàn công tác, đồng chí Hoàng Văn Chất - Bí thư Tỉnh ủy Sơn La cho biết: Sơn La là một tỉnh miền núi, diện tích tự nhiên 14.174 km2, có 250 km đường biên giáp tỉnh Hủa Phăn và Luông Pha Bang - nước bạn Lào, dân số trên 1,2 triệu người với 12 dân tộc.

          Trong 6 tháng đầu năm 2017, tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh đạt 5,15%, trong đó: lĩnh vực nông lâm nghiệp tăng 8,23%, công nghiệp tăng 1,57%; thu ngân sách trên địa bàn đạt 1.544 tỷ đồng, đạt 41,56% dự toán năm. Các lĩnh vực dịch vụ, du lịch; văn hóa, xã hội, giáo dục, đào tạo, y tế… tiếp tục có nhiều tiến bộ và chuyển biến tích cực; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ổn định, an ninh biên giới được giữ vững, quan hệ đối ngoại được duy trì và phát triển.

Mặc dù đã đạt được những thành tựu trong phát triển kinh tế - xã hội, song Sơn La vẫn là tỉnh nằm trong vùng khó khăn nhất của cả nước; toàn tỉnh vẫn còn 5/12 huyện nghèo, 112/204 xã, phường, thị trấn và 1.708/3.324 bản đặc biệt khó khăn; tỉ lệ hộ nghèo đa chiều năm 2016 giảm còn 31,44%, hộ cận nghèo còn 9,3%.

Đồng chí Hoàng Văn Chất đề nghị Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án ổn định dân cư, phát triển kinh tế - xã hội vùng tái định cư thủy điện Sơn La và thủy điện Hòa Bình; cho phép đầu tư 1 tuyến đường  liên vùng dọc sông Đà nối hai vùng lòng hồ, đi qua 5 xã thuộc vùng tái định cư thủy điện Hòa Bình.

Lãnh đạo tỉnh Sơn La cũng đề nghị Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và cho phép đầu tư, sửa chữa, nâng cấp cơ sở hạ tầng các khu, điểm tái định cư thủy điện Sơn La; cho vay phát triển sản xuất đối với các hộ dân vùng tái định cư thủy điện Sơn La và thủy điện Hòa Bình; đề nghị Chính phủ sớm phê duyệt bổ sung tuyến đường Hòa Bình - Sơn La vào quy hoạch phát triển mạng đường bộ cao tốc Việt Nam đến năm 2020; cho phép đầu tư (giai đoạn 2017 - 2020) tuyến đường cao tốc Hòa Bình - Mộc Châu theo hình thức đối tác công - tư. Bên cạnh đó, tỉnh Sơn La cũng đề nghị Chính phủ sửa đổi Nghị định 210/2013/NĐ-CP của Chính phủ về chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, hỗ trợ các doanh nghiệp xuất khẩu; cho phép tỉnh Sơn La được lập và trình Đề án phát triển cây dược liệu gắn với du lịch sinh thái khu rừng đặc dụng Xuân Nha, huyện Vân Hồ để phát triển rừng bền vững và khai thác tiềm năng, tăng thu nhập cho bà con; cho phép tỉnh Sơn La được đầu tư các dự án điện mặt trời trên các lòng hồ thủy điện.

Phát biểu ý kiến tại buổi làm việc, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá thời gian qua, tình hình kinh tế-xã hội Sơn La có nhiều chuyển biến đáng mừng với nhiều dự án lớn, cơ sở hạ tầng được cải thiện. Ðời sống nhân dân có nhiều tiến bộ; quan hệ giữa địa phương với nước bạn Lào được đẩy mạnh. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, biểu dương những thành quả tương đối toàn diện, rõ nét của Sơn La và nêu rõ tỉnh  Sơn La còn gặp nhiều khó khăn, thách thức; công tác tái định cư thủy điện còn bất cập; tỷ lệ đói nghèo còn cao; cải cách thủ tục hành chính, nhất là tạo môi trường đầu tư kinh doanh còn nhiều vấn đề cần khắc phục.

Thủ tướng đề nghị tỉnh nỗ lực hoàn thành toàn diện, vượt mức các chỉ tiêu, mục tiêu đã đề ra, nhất là chỉ tiêu tăng trưởng, thu ngân sách và giảm nghèo trong năm 2017 và những năm tiếp theo; tiếp tục giữ gìn an ninh biên giới và an toàn cho người dân, nhất là phòng, chống ma túy có hiệu quả, triệt để hơn nữa; quan tâm đến các xã tái định cư thủy điện; làm tốt công tác quy hoạch để "không làm việc này lại phá hỏng việc kia" trong định hướng phát triển bền vững. Thủ tướng nêu rõ, tỉnh mới có 2.000 doanh nghiệp và 350 hợp tác xã là còn quá thấp, cần chú trọng phát triển doanh nghiệp, các loại hình hợp tác xã. Thủ tướng chỉ ra các lĩnh vực cần tiếp tục chỉ đạo phát triển như nông nghiệp công nghệ cao, chọn đầu ra sản phẩm, không để tình trạng "giải cứu", được mùa rớt giá, được giá mất mùa như một số trường hợp vừa qua. Trong nông nghiệp, cần lưu ý đến khâu chế biến, xây dựng thương hiệu sản phẩm, phát triển cây dược liệu. Tỉnh cần tiếp tục phát triển du lịch và giữ gìn bản sắc văn hóa của 12 dân tộc bởi đây là "thế mạnh mềm" mà không phải nơi nào cũng có được. Thủ tướng cũng đồng ý với một số đề xuất của địa phương và giao các bộ, ngành nghiên cứu, xem xét, đề xuất, báo cáo cụ thể với Thủ tướng

Trước đó, nhân dịp kỷ niệm 70 năm Ngày Thương binh Liệt sỹ (27/7/1947 – 27/7/2017) và kỷ niệm 50 năm Ngày thiết lập quan hệ Việt – Lào, chiều 16/7, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã tới dâng hương, tưởng niệm các Anh hùng, Liệt sỹ tại Khu di tích lịch sử lưu niệm Trung đoàn 52 Tây Tiến trên đồi Nà Bó, Tiểu khu 12, thị trấn Mộc Châu, tỉnh Sơn La.

Trung đoàn 52 Tây Tiến thường gọi là Trung đoàn Tây Tiến được thành lập ngày 27/2/1947. Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp (1945-1954), Mộc Châu là nơi tập kết của đoàn quân Tây Tiến. Từ đây, các chiến sỹ của đoàn quân Tây Tiến đã tỏa đi khắp các mặt trận Tây Bắc và Thượng Lào, lập nên những kỳ tích vang dội góp phần vào thắng lợi chung của cách mạng Việt Nam và làm tròn nghĩa vụ quốc tế cao cả với nước bạn Lào. Khu di tích lịch sử Tây Tiến được khánh thành vào ngày 20/8/2016. Nơi đây đã trở thành một di tích lịch sử tâm điểm cho công tác giáo dục truyền thống, là công trình lịch sử văn hóa tiêu biểu trong quy hoạch tổng thể khu du lịch quốc gia Mộc Châu. Khu di tích gồm 7 hạng mục chính, có kiến trúc thể hiện sự hùng vĩ, chất thơ mộng của núi rừng Tây Bắc và vẻ đẹp hào hùng, lãng mạn của Bộ đội Tây Tiến. Khu di tích đang lưu giữ những bức ảnh, kỷ vật, những tác phẩm nghệ thuật được những người lính Tây Tiến sáng tác trong những ngày chiến đấu gian khổ… Đây cũng là những bằng chứng chân thực chứng kiến lịch sử hào hùng của Trung đoàn 52 Tây Tiến và nay là hình ảnh “tiếp lửa”, nuôi dưỡng tâm hồn, giáo dục truyền thống cách mạng cho các thế hệ hôm nay và mai sau.

Thăm Nhà truyền thống trong Khu di tích, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc bày tỏ xúc động khi đến thăm Trung đoàn 52 Tây Tiến tại Mộc Châu, Sơn La, nơi đã gắn liền với rất nhiều chiến công oai hùng và sự hy sinh gian khổ của các cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn vào những năm tháng đầu tiên mới thành lập. Ghi trong sổ lưu niệm tại Khu di tích  thủ tướng viết: “Các thế hệ của Đoàn quân Tây Tiến đã mãi đi vào lịch sử anh hùng cách mạng của Quân đội nhân dân Việt Nam; là niềm khích lệ, tấm gương lớn và tài sản quý giá cho các thế hệ hôm nay và mai sau”

Sau khi tới thăm, dâng hương tưởng niệm các Anh hùng Liệt sỹ tại Khu di tích Trung đoàn 52 Tây Tiến, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã tới thăm hỏi, nói chuyện thân mật và tặng quà ông Nguyễn Thanh Lâm và gia đình tại Tiểu khu 19/8, Thị trấn Nông trường Mộc Châu.

Ông Nguyễn Thanh Lâm là Thương binh hạng ¾, được trao tặng Huy hiệu 50 năm tuổi Đảng. Ông Lâm và người thân còn là nạn nhân của chất độc da cam/dioxin trong chiến tranh.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã tới dây chuyền chế biến, đóng gói thành phẩm của Nhà máy Sữa Mộc Châu - Công ty Cổ phần giống bò sữa Mộc Châu. Đây là doanh nghiệp có tiền thân là Nông trường quốc doanh, được thành lập ngày 8/4/1958 do các chiến sỹ thuộc Trung đoàn 280, Sư đoàn 335 sau khi giải phóng Tây Bắc được Đảng và Bác Hồ giao nhiệm vụ làm kinh tế, mở mang phát triển vùng Tây Bắc. Năm 2005, Công ty Giống Bò sữa Mộc Châu được chuyển thành Công ty Cổ phần Giống Bò sữa Mộc Châu. Đến nay, tổng đàn bò sữa của công ty đạt trên 22 ngàn con; sản lượng sữa chu kỳ đạt 7.500kg. Sữa tươi sản xuất trên 80.000 tấn năm, doanh thu đạt trên 2.300 tỷ đồng; thu nhập bình quân đạt 8,5 triệu đồng/người/tháng. Đặc biệt, công ty còn phối hợp, phát triển 560 hộ chăn nuôi và ba Trung tâm giống ở 11 đơn vị chăn nuôi; cùng với hai nhà máy chế biến sữa với dây truyền tiên tiến, hiện đại.

THÔNG TIN CHỈ ĐẠO ĐIỀU HÀNH
Đăng nhập
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1